Học từ Steve Jobs


3 “công thức sáng tạo” của Steve Jobs

Steve Jobs
Steve Jobs

Apple – thương hiệu nổi tiếng bởi sự độc đáo trong thiết kế – có được những thành công như hôm nay phần lớn nhờ vào quá trình sáng tạo không ngừng của Steve Jobs.

Không thể phủ nhận tài năng thiên bẩm cũng như những nỗ lực của cựu CEO Apple. Tuy nhiên, để có thể được mệnh danh là “đại danh từ của sự cách tân”, Steve Jobs cũng có những “công thức” rất riêng để tôi luyện sự sáng tạo.

Dưới đây là 3 bí quyết giản đơn mà hiệu quả để hỗ trợ tư duy sáng tạo mà tất cả các doanh nhân đều có thể học hỏi và áp dụng từ Steve Jobs:

1. Theo đuổi nhiều sở thích

Sau khi thôi học tại trường Cao đẳng Reed thuộc bang Oregon (Mỹ), Steve Jobs quyết định đăng ký tham gia vào một số bộ môn mình cảm thấy hứng thú, trong đó có lớp Calligraphy (Viết chữ đẹp). Khóa học dựa trên sở thích này rõ ràng chẳng có chút gì liên quan đến tương lai của Steve Jobs hay chứa đựng bất kỳ một mục đích thiết thực nào cho những dự định sau này của ông cả.

Thế nhưng, trong bài phát biểu nổi tiếng thế giới tại trường Đại học Stanford, vị CEO quá cố đã chia sẻ rằng chính những điều tích lũy được tại lớp Calligraphy đã giúp cho ông hoàn thiện bộ Typography (Nghệ thuật sắp chữ) đẹp như mơ của hệ điều hành Macintosh.

Steve Jobs nói: “Sự sáng tạo đơn thuần là việc biết kết hợp những thứ xung quanh. Bạn có thể thử hỏi những người giàu óc sáng tạo xem họ đã phát minh ra một thứ gì đó như thế nào để biết câu trả lời. Thường thì họ sẽ có đôi chút xấu hổ và cảm thấy tội lỗi vì biết thực ra bản thân chẳng làm gì cả mà chỉ đơn giản là tình cờ thấy một thứ gì đó thôi. Và không lâu sau khi tuyên bố ý tưởng sáng tạo của mình thì họ sẽ nhận ra sự thật hiển nhiên này”.

Các nghiên cứu khoa học gần đây đã góp phần minh chứng cho quan điểm của Steve Jobs. Nhà tâm lý học người Mỹ Scott Barry Kaufman cho biết, điểm chung lớn nhất ở các cá nhân giàu óc sáng tạo chính là việc họ luôn cởi mở với những trải nghiệm mới cũng như theo đuổi đa dạng sở thích.

Trong báo cáo khoa học mang tên “Opening up Openness to Experience: A Four-Factor Model & Relations to Creative Achievement in the Arts and Sciences” (tạm dịch: “Cởi mở với những trải nghiệm mới: 4 yếu tố để sáng tạo trong nghệ thuật và khoa học”), vị giám đốc phân viện Imagination kiêm giảng viên tại Trung tâm Tâm lý học tích cực của trường Đại học Pennsylvania này đã kết luận: “Các loại hình tương tác giữa não bộ với môi trường xung quanh khác nhau sẽ đòi hỏi những cơ chế xử lý thông tin khác nhau. Bên cạnh đó, nhiều khía cạnh bao hàm trong một trải nghiệm sẽ thỏa mãn những nhu cầu riêng của mỗi người tham gia. Và chính các nhu cầu tách biệt này sẽ góp phần đáp ứng cho nhiều loại hình sáng tạo khác nhau.”

Tóm lại, bạn càng cởi mở và theo đuổi nhiều sở thích cùng trải nghiệm mới thì cơ hội nảy sinh các ý tưởng sáng tạo càng cao.

Thuật ngữ “Thinking outside the box” (Tư duy ngoài khuôn mẫu), có lẽ nên được hiểu một cách đúng đắn hơn là “Drawing from different boxes” hay “Đúc kết ra từ nhiều khuôn mẫu khác nhau”.

Thực tế, một kẻ dù mang tiếng xấu là “bá nghệ bá tri vị chi bá láp” lại có tiềm năng để trở thành “bậc thầy” sáng tạo hơn cả. Điều này cũng lý giải cho việc tại sao Steve Jobs lại đề cao nghệ thuật tự do và khoa học nhân văn, vốn chẳng liên quan gì đến công việc của ông tại Apple đến vậy.

Dù thói quen theo đuổi nhiều sở thích có thể được hình thành từ những năm đầu của thời kỳ trưởng thành, bất cứ ai ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể luyện tập kỹ năng tìm tòi và khám phá trải nghiệm mới. Học hỏi từ Steve Jobs, có thể thấy chìa khoá căn bản nằm ở việc không được giới hạn mình vào chỉ những gì có lợi ngay trước mắt. Thay vào đó, hãy luôn thử thách bản thân để tìm kiếm những trải nghiệm mới, cụ thể như nghiên cứu mô hình kinh doanh không liên quan gì đến công việc của mình hay thường xuyên thay đổi thói quen để khám phá ra những điều mới.

Đồng thời, ý thức tập trung vào mục đích sau cùng giữa sự bủa vây từ muôn vàn sở thích của Steve Jobs cũng là điều đáng cho chúng ta học hỏi. Bản thân vị CEO của Apple cũng từng nói: “Cải tiến cũng đồng nghĩa với việc nói không cùng 1.000 thứ”.

Việc tung hứng và kết nối qua lại giữa các sở thích chỉ có ích ở một mức độ nhất định. Quá trình sáng tạo nhất thiết cần được cân bằng và phải đi đôi cùng việc biết nói “không” với những thứ mà rất có thể sẽ khiến ta xao nhãng mục tiêu hàng đầu.

2. Đi bộ

Trong cuốn Becoming Steve Jobs (Tập làm Steve Jobs), Brent Schlender cho biết vị CEO quá cố thường động não khi đi bộ cùng với người khác. Các nghiên cứu hiện nay cũng đã chỉ ra việc đi bộ có thể giúp tăng cường khả năng sáng tạo của con người.

Còn trong cuốn Neurowisdom, 2 nhà thần kinh học là Mark Waldman và Chris Manning đã cho thấy sự khác nhau trong hoạt động giữa “vùng não phụ trách ra quyết định” và “vùng não chuyên dùng cho sáng tạo”. Khi một người tập trung làm việc để hoàn thành mục tiêu, họ sẽ sử dụng “vùng ra quyết định”. Tuy nhiên, khoảnh khắc mà một ý tưởng lóe sáng lại thường chỉ đến khi một cá nhân nghỉ giải lao và để “vùng sáng tạo” được kích thích thông qua các hoạt động như mộng mơ hay suy tưởng.

Trong báo cáo khoa học mang tên “Give Your Ideas Some Legs: The Positive Effect of Walking on Creative Thinking” (tạm dịch: “Trao “chân” cho ý tưởng của bạn: Tác động tích cực của đi bộ đối với tư duy sáng tạo”), Marily Oppezzo và Daniel Schwartz đã chỉ ra những lợi ích cụ thể của việc đi bộ cũng như mối liên hệ của nó với tư duy sáng tạo. Cụ thể, những cá nhân đi bộ giải lao, bất kể ở môi trường nào, đều có cảm hứng sáng tạo tăng rõ rệt và đều đặn hơn người chỉ ngồi một chỗ.

2 nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên 176 sinh viên và người trưởng thành để đi đến kết luận trên. Họ đã giao cho các đối tượng nghiên cứu một nhiệm vụ có liên quan đến việc sử dụng tư duy theo nhiều hướng khác nhau và phát hiện ra rằng 100% những người đi bộ có ý tưởng “chất lượng” hơn số người ngồi một chỗ. Số ý tưởng sáng tạo ở những người yên vị chỉ là 50%.

Nghiên cứu đến từ trường Đại học Stanford này đã chỉ rõ, đi bộ sẽ giúp tăng cường mức độ sáng tạo lên tới 60%. Có thể thấy, việc Steve Jobs hay Mark Zuckerberg tiến hành những buổi họp hay gặp gỡ dưới hình thức dạo bộ ngoài văn phòng không phải là không có lý do.

Doanh nhân có thể áp dụng thói quen đi bộ, một mình hay theo nhóm, để cải thiện khả năng tư duy sáng tạo. Khi mắc kẹt với những tình huống éo le và chưa có lời đáp, đi bộ trong ít phút có thể là chất xúc tác hoàn hảo để giúp giải quyết vấn đề. Nếu không thể đi bộ, nghỉ giải lao trong thời gian ngắn để thư giãn và kích thích “vùng não sáng tạo” là phương án dự phòng tối ưu.

3. Tịnh tâm

Sau khi bỏ học, Steve Jobs dành ra vài tháng ở Ấn Độ để khám phá và học tập Thiền tông, vốn là tông phái Phật giáo Đại thừa xuất phát từ quốc gia châu Á này. Steve Jobs thích thú với thiền đến mức ông còn dự tính sang Nhật để tìm cầu học đạo, nâng cao khả năng thực hành thiền định của mình.

Vị CEO từng nói với Walter Isaacson – người viết tiểu sử của mình như sau: “Nếu để ý kỹ, anh sẽ thấy tâm trí của mình không lúc nào chịu yên vị mà cứ bồn chồn không thôi. Nếu cố gắng kiềm hãm nó thì sự tình chỉ càng thêm tồi tệ. Tuy nhiên, theo thời gian, tâm trí của mỗi người sẽ bình lặng hơn khi biết áp dụng các phương pháp tịnh tâm hay thiền. Khi đó, những điều tinh tế sẽ đến một cách dễ dàng hơn vì giờ đây tâm trí anh đã sắm sẵn không gian dành cho chúng. Chính lúc ấy là thời điểm trực giác của anh được khai mở và anh sẽ thấy mọi thứ rõ ràng hơn cũng như nhập tâm hơn vào khoảnh khắc hiện tại”.

Đưa thiền vào trong sinh hoạt đã giúp Steve Jobs phát triển khả năng sáng tạo của mình. Các loại hình tịnh tâm như “open-monitoring” (quan thức thiền) giúp thúc đẩy người luyện tập suy nghĩ theo nhiều hướng khác nhau. Quá trình tư duy này cho phép tạo ra nhiều ý tưởng mới, vốn là chìa khóa cho sự sáng tạo.

Bên cạnh hỗ trợ tư duy, luyện tập thiền còn giúp phát triển sự đồng cảm. Trong báo cáo khoa học “Meditation Increases Compassionate Responses to Suffering” (tạm dịch: “Thiền định làm tăng sự đồng cảm với những nỗi đau”), xuất bản năm 2013, những người luyện tập thiền sau 8 tuần có khuynh hướng chia sẻ nỗi đau và mất mát của người khác nhiều hơn 5 lần người thường.

Cũng chính sự đồng cảm này của Steve Jobs đã khiến ông dễ dàng mang đến những điều khách hàng của mình mong muốn, dù chính họ cũng không biết phải diễn tả nó như thế nào. Ông từng nói rằng nhiệm vụ của mình không đơn giản là đem đến cho khách hàng những gì họ nói họ muốn mà còn cung cấp cả những gì họ cần mà thậm chí họ không biết.

Doanh nhân có thể áp dụng phương pháp “mindfulness meditation” (thiền chánh niệm) để làm tăng trí tuệ cảm xúc cũng như giảm stress.

Dù rằng sự thiên tài của Steve Jobs không phải chỉ bao hàm trong những điều kể trên, chúng vẫn góp phần to lớn cho tư duy độc đáo của người được mệnh danh là “đại danh từ của sự cách tân”.

3 bí quyết trên là 3 công thức đơn giản cho sự sáng tạo mà các doanh nhân đều có thể áp dụng cho bản thân và đồng đội để đạt được hiệu quả tư duy tối ưu nhất giữa bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

LÊ DUYDoanhnhansaigon


Steve Jobs: Nếu muốn thành công đừng để tiền bạc chi phối cuộc sống, hãy yêu những gì bạn làm

Steve Jobs đã tạo ra khối tài sản khổng lồ trong suốt cuộc đời trên cương vị là đồng sáng lập của Apple – công ty công nghệ đáng giá nhất hiện nay. Tuy nhiên, đối với Jobs, mục đích lao động chưa bao giờ là để làm giàu.

“Tôi đã kiếm được 1 triệu USD khi 23 tuổi, hơn 10 triệu USD lúc 24 tuổi và hơn 100 triệu USD khi mới 25. Tuy nhiên, điều này không quan trọng. Tôi chưa bao giờ làm việc vì tiền cả”, trích lời của tỷ phú Steve Jobs được ghi lại trong tài liệu PBS năm 1996.

Thậm chí kể cả sau này, khi Jobs gặp thất bại và tài sản tiêu tan, tư tưởng trên vẫn được giữ nguyên. Ví dụ, vào năm 1980, cổ phiếu của Apple chao đảo và đã khiến Jobs mất hơn 250 triệu USD. Tuy nhiên, vị CEO quá cố vẫn nói đó không phải là điều mà ông quan tâm nhất. Dù rằng con số 250 triệu USD là cả một gia tài đối với một công ty vừa mới IPO như Apple hay đối với một doanh nhân trẻ như Jobs.

“Tôi sẽ không để chuyện này phá hỏng cuộc sống của mình. Chẳng phải điều này (chuyện cổ phiếu của Apple) có phần hài hước hay sao. Tất cả mọi người đều chú ý đến nó, song đây lại chẳng phải là điều có giá trị nhất từng xảy ra với tôi trong 10 năm qua”, Steve Jobs trả lời tờ Playboy trong năm 1985.

Trên thực tế, Jobs cố tình tránh đặt sự giàu có là ưu tiên một. Ngay cả khi là 1 tỷ phú, ông vẫn lựa chọn một cuộc sống giản dị bên người vợ Laurene Powell Jobs và các con, tránh lối sống hào nhoáng, xa xỉ, theo Walter Isaacson – người đã thực hiện hơn 40 cuộc phỏng vấn với Jobs để hoàn thành cuốn sách “Steve Jobs”.

“Steve Jobs sống ở một ngôi nhà bình thường, trên một con phố bình thường tại Palo Alto. Nhà của ông không có đường dành cho xe lớn cũng không có những hàng rào an ninh. Bạn có thể bước ra khu vườn ở cổng sau, mở cửa đi vào bếp. Đó là một ngôi nhà của gia đình bình thường”, Walter nhớ lại trong chương trình “60 phút” của đài CBS.

Khi phóng viên của New York Times tới thăm nhà Jobs năm 1997, họ ngạc nhiên khi khung cảnh nơi ở của tỷ phú, nhà đồng sáng lập Apple cũng giống như mọi ngôi nhà xung quanh. “Con trai Jobs đang trèo lên một cái cây ở sân sau dưới sự giám sát của vú em. Trong bếp, Jobs đang thư giãn trên chiếc ghế tựa yêu thích, âu yếm bế con gái. Còn vợ Jobs, Laurene làm vài việc vặt trong bếp”.

Trong các cuộc phỏng vấn với Isaacson, Jobs giải thích rằng, mặc dù có rất nhiều tiền, nhưng ông không muốn cuộc sống của mình bị ảnh hưởng bởi sự tham lam và chủ nghĩa vật chất. “Tôi đã thấy rất nhiều người ở Apple đã thay đổi, nhất là khi công ty tiến hành IPO. Rất nhiều người nghĩ rằng họ đã giàu có. Một số mua Rolls-Royces, mua nhà và vợ của họ ném tiền vào phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp. Tôi chứng kiến rất nhiều người tốt, đơn giản trở thành những người kỳ lạ và khó hiểu. Tôi tự hứa với chính mình: Đừng để tiền tàn phá cuộc sống”, Steve Jobs tâm sự.

Trong suốt sự nghiệp, Steve Jobs lựa chọn theo đuổi công việc đã kích thích niềm đam mê lớn nhất cuộc đời, chứ không phải chạy theo những món tiền khổng lồ.

Trong bài phát biểu tại Đại học Stanford năm 2005, Steve Jobs khuyên những người trẻ mới bắt đầu sự nghiệp: “Hãy tìm kiếm điều bạn yêu thích, đam mê. Công việc sẽ là một phần lớn cuộc sống của bạn và chỉ có 1 cách để thực sự hài lòng với cuộc sống là tin rằng bạn đang làm một công việc tuyệt vời. Và chỉ có một cách để làm một công việc tuyệt vời là yêu những điều bạn làm. Nếu bạn chưa tìm ra điều đó, hãy tiếp tục tiến về phía trước, đừng dừng lại. Trái tim bạn sẽ nhận biết được khi bạn tìm được nó”.

HOÀI THUDoanhnhansaigon

(Theo TTVN – Tựa bài do DNSG Online đặt lại)


13 bài học từ Steve Jobs dành cho tất cả những nhà sáng lập startup

Những bài học đã được chứng minh qua các thành quả đạt được của Steve Jobs không chỉ hữu ích cho những người kế nhiệm ông tại Apple mà còn cho tất cả những nhà sáng lập startup khác.

Dưới đây là 13 bài học từ Steve Jobs dành cho tất cả những nhà sáng lập startup, được Tech in Asia trích dẫn và biên tập từ nội dung cuốn Steve Jobs (bản tiếng Việt Tiểu sử Steve Jobs, do Alpha Books và Nhà xuất bản Thế giới ấn hành) của tác giả Walter Isaacson.

1. Tập trung

Sau khi Jobs bị sa thải và quay trở lại Apple vào năm 1997, Công ty đang sản xuất ngẫu nhiên một loạt các loại máy tính và thiết bị ngoại vi, bao gồm hàng tá phiên bản khác nhau của máy tính Macintosh. Sau một vài tuần xem các bản mô tả sản phẩm, Jobs đã có đầy đủ dữ liệu cần thiết. Ông bảo mọi người: “Dừng lại. Những điều này thật điên rồ”.

Sau đó, ông chộp lấy một cây bút màu, vẽ lên bảng những đường thẳng để tạo thành một khung gồm 4 ô trống. “Đây là những gì chúng ta cần: Người tiêu dùng, Sự chuyên nghiệp, Máy tính bàn và Di động”, ông khẳng định với cả đội ngũ và yêu cầu họ hãy tập trung tạo ra 4 sản phẩm tuyệt vời, dựa trên 4 yếu tố đó. Còn tất cả các sản phẩm khác thì nên bỏ đi. Bằng cách giúp Apple chỉ tập trung vào việc tạo ra những sản phẩm chủ chốt như vậy, Steve Jobs đã cứu được công ty. “Quyết định không nên làm việc gì cũng quan trọng như việc quyết định nên làm gì”, Jobs cho biết.

2. Đơn giản hóa

Khả năng tập trung gần giống như thiền của Jobs có liên quan đến một khả năng khác của ông, đó là đơn giản hóa mọi thứ, chỉ tập trung vào bản chất của sự vật và bỏ qua mọi yếu tố không cần thiết khác. “Sự đơn giản chính là hình thức phức tạp tinh vi nhất”, ông nhận định. Tất cả những phần mềm, sản phẩm của Apple dưới sự điều hành của Steve Jobs với sự tối giản và tiện dụng cho người dùng đã là minh chứng tuyệt vời cho triết lý này của ông.

3. Chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối

Jobs biết rằng cách tốt nhất để đạt được sự tối giản là đảm bảo các phần mềm, phần cứng và các thiết bị ngoại vi được tích hợp liền mạch với nhau. Một hệ sinh thái Apple (chẳng hạn như một chiếc iPod được kết nối với một máy Mac với phần mềm iTunes) cho phép các thiết bị này trở nên đơn giản hơn, được đồng bộ mượt mà hơn và hiếm khi trục trặc hơn. 

Những thao tác phức tạp, như tạo một danh sách mới, có thể được thực hiện trên máy tính, do đó iPod có thể được tối giản hóa nút bấm và các chức năng khác. Jobs và Apple đã chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối đối với trải nghiệm của người dùng. Đây là điều mà rất ít công ty có thể làm được.

4. Khi bị bỏ lại phía sau: Phải thực hiện bước nhảy vọt

Dấu hiệu nhận biết một công ty đột phá không chỉ nằm ở chỗ tiên phong đưa ra những ý tưởng mới, mà còn ở khả năng nhảy vọt khi bị bỏ lại phía sau. Khi tạo nên chiếc iMac, Jobs tập trung vào tính năng quản lý hình ảnh và video, nhưng riêng với chức năng nghe nhạc thì có một chút không ổn. Lúc đó, người dùng máy tính cá nhân thường tải nhạc về rồi ghi ra đĩa CD riêng của mình. Máy iMac không có các chức năng dành cho đĩa CD.

Nhưng thay vì đơn thuần là cải tiến ổ đĩa CD cho iMac, Jobs quyết định tạo ra một hệ thống tích hợp có khả năng thay đổi cả ngành âm nhạc. Kết quả là tích hợp giữa iTunes, iTunes store và iPod, cho phép người dùng mua, chia sẻ, quản lý, lưu trữ và nghe nhạc tiện dụng hơn bất kỳ một thiết bị nào khác trên thị trường.

Sau khi iPod thành công vang dội, chưa kịp tận hưởng mùi vị chiến thắng, Jobs đã bắt đầu lo lắng đến những rủi ro. Ông lo ngại rằng các nhà sản xuất điện thoại di dộng sẽ bắt đầu thêm các tính năng nghe nhạc vào các thiết bị của mình. Vì vậy, Jobs đã chủ động ngắt dòng doanh thu từ iPod bằng cách tạo ra iPhone. “Nếu chúng ta không tự ‘ăn thịt’ mình thì một ai đó sẽ làm điều đó”, ông khẳng định.

5. Ưu tiên sản phẩm lên trên hết

Ban đầu, khi Jobs và một đội ngũ nhỏ của ông thiết kế ra máy Macintosh (khoảng đầu những năm 1980), ông muốn nó phải “cực kỳ tuyệt vời”. Ông không bao giờ nói về việc tối đa hóa lợi nhuận hay vấn đề chi phí. “Đừng lo lắng về giá, chỉ tập trung vào những chức năng của máy tính”, ông nói với người lãnh đạo đội ngũ ban đầu.

Dù Macintosh đã khiến Apple tốn quá nhiều chi phí và dẫn đến việc Jobs bị sa thải khỏi Công ty, nhưng sản phẩm này đã “tạo ra một vết lõm trong vũ trụ” như lời ông nói, vì đã tạo ra được một cuộc cách mạng trong lĩnh vực máy tính để bàn. Steve Jobs quan niệm rằng: “Hãy tập trung vào việc tạo ra sản phẩm tuyệt vời, rồi lợi nhuận sẽ đến”.

13-ba-i-ho-c-tu-Steve-Jobs-da-5873-2482-

6. Quan tâm sâu sắc đến khách hàng

Khi một nhân viên hỏi Jobs xem có nên thực hiện vài nghiên cứu thị trường để biết được người dùng muốn gì không, ông trả lời: “Không, bởi vì người dùng không biết họ muốn gì cho đến khi chúng ta cho họ thấy”. Quan tâm sâu sắc đến những điều khách hàng muốn rất khác với việc liên tục hỏi khách hàng xem họ muốn gì. Việc này đòi hỏi nhà khởi nghiệp phải có bản năng “đánh hơi” bằng trực giác những điều còn chưa hình thành.

7. Biến điều không thể thành có thể

Steve Jobs còn nổi tiếng với khả năng thúc đẩy người khác làm những điều mà họ nghĩ rằng họ không thể làm được. Một ngày nọ, Jobs vào phòng làm việc của Larry Kenyon – kỹ sư đang làm việc với hệ điều hành của Macintosh. Ông phàn nàn rằng sản phẩm này đang mất quá nhiều thời gian để khởi động.

Kenyon bắt đầu giải thích lý do tại sao không thể làm giảm đi thời gian khởi động của máy. Nhưng Jobs ngắt lời bằng cách nói “Nếu nó có thể giúp cứu một mạng người, anh có thể tìm ra cách để giảm bớt 10 giây khởi động không?”. Kenyon nói rằng có lẽ mình làm được.

Jobs bước lại tấm bảng, vừa viết minh họa vừa giải thích rằng, nếu có 5 triệu người đang sử dụng máy tính, và mỗi người phải mất thêm 10 giây để bật nó lên hằng ngày, sẽ mất tổng cộng khoảng 300 triệu giờ mỗi năm, tương đương với ít nhất 100 đời người/năm. Vài tuần sau, Kenyon đã giúp chiếc máy tính khởi động nhanh hơn trước đến 28 giây.

8. Chú trọng hình thức bên ngoài

Jobs đã học được một điều từ một trong những cố vấn đầu tiên của mình là Mike Markkula, rằng mọi người đưa ra ý kiến về một sản phẩm (hoặc một công ty) dựa trên cách nó được đóng gói (hoặc được giới thiệu). Chẳng hạn như đánh giá một cuốn sách dựa trên… cách thể hiện bìa sách. Năm 1984, khi chuẩn bị giao hàng Macintosh, ông gần như đã bị ám ảnh về màu sắc và thiết kế của chiếc hộp đựng sản phẩm.

9. Thúc đẩy sự hoàn hảo

Trong suốt quá trình phát triển hầu hết sản phẩm do mình tạo ra, ở một thời điểm nào đó, Jobs sẽ “bấm nút tạm dừng” và quay ngược trở lại bản vẽ vì cảm thấy có điều gì đó chưa hoàn hảo. iPhone cũng không phải ngoại lệ. Thiết kế ban đầu có mặt kính được đặt trong vỏ nhôm.

Một buổi sáng, Jobs đến gặp Giám đốc thiết kế Jonathan Ive và nói “Tối qua tôi không ngủ được, vì tôi nhận ra rằng tôi không yêu thích nó. 9 tháng qua các anh đã rất vất vả vì thiết kế này, nhưng chúng tôi sẽ thay đổi nó. Chúng tôi sẽ làm việc cả ban đêm và cuối tuần. Nếu anh muốn, chúng tôi có thể lấy ra vài khẩu súng để anh có thể ngay lập tức bắn chết chúng tôi”. Thay vì nản chí, cả đội ngũ lại đồng ý với ông.

“Đó là một trong những khoảnh khắc tự hào nhất của tôi tại Apple”, Jobs từng cho biết. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra trong quá trình Jobs và Ive hoàn thiện sản phẩm iPad.

10. Chỉ chấp nhận những người hạng A

Jobs nổi tiếng với tính thiếu kiên nhẫn và rất khó khăn với mọi người xung quanh. Nhưng bản tính này của Steve Jobs, dù không đáng khen ngợi, vốn xuất phát từ niềm đam mê sự hoàn hảo và khao khát được làm việc với những người giỏi nhất. Ông không thích tình trạng các nhà quản lý phải quá lịch sự đến mức những nhân viên ở mức trung bình luôn cảm thấy thoải mái khi ở gần họ. “Tôi không nghĩ là tôi thô lỗ với mọi người, nhưng khi có vấn đề xảy ra, tôi nói thẳng với họ. Nhiệm vụ của tôi là trung thực”, Jobs bày tỏ.

11. Chú trọng kết nối trực tiếp

Dù sống trong thời đại kỹ thuật số, Jobs vẫn tin tưởng mạnh mẽ vào những buổi họp mặt trực tiếp. Ông cho rằng: “Trong thời đại kết nối, nhiều người dễ dàng nghĩ rằng những ý tưởng có thể được phát triển thông qua email và iChat. Thật điên rồ! Sự sáng tạo đến từ những cuộc họp, những cuộc thảo luận ngẫu nhiên. Bạn chạy đến chỗ ai đó, hỏi họ đang làm gì, câu trả lời của họ khiến bạn ngạc nhiên, rồi bạn sẽ sớm nung nấu hàng đống ý tưởng”.

12. Hiểu biết các chi tiết lẫn cả một bức tranh lớn

Một số CEO giỏi về tầm nhìn, một số nhà quản lý giỏi về chi tiết. Jobs giỏi cả hai. Jeff Bewkes – CEO của Time Warner nói rằng một trong những đặc điểm nổi bật của Jobs là khả năng và khao khát hình dung ra chiến lược tổng thể đồng thời vẫn tập trung vào các khía cạnh chi tiết nhất của bản thiết kế.

13. Kết hợp khoa học với tính nhân văn

“Tôi luôn nghĩ mình rất ‘người’, hệt như một đứa trẻ, nhưng tôi thích đồ điện tử”, Jobs tự đánh giá. Chắc chắn có nhiều người giỏi công nghệ hơn Jobs, có nhiều nhà thiết kế, nghệ sĩ giỏi hơn ông, nhưng Jobs là người biết cách kết nối tính nhân văn với khoa học, sự sáng tạo với công nghệ, và kết nối nghệ thuật với kỹ thuật.

Bích TrâmDoanhnhansaigon