Phác thảo chân dung đồng nghiệp tương lai Gen Z


Phác thảo chân dung đồng nghiệp tương lai Gen Z: Tài năng nhưng “mong manh dễ vỡ”, tìm việc chủ yếu qua internet, thích tự kinh doanh hoặc làm cho startup

Thế hệ Z – Gen Z hay còn gọi là ‘thế hệ siêu đột phá’ có những mong muốn và tính cách khá gai góc: độc lập và tự tin vào quan điểm cá nhân, tài năng nhưng mong manh dễ vỡ… Họ là thế hệ “gây rối” hoặc tạo đột phá cho nền kinh tế sẽ tùy thuộc vào việc chúng ta hiểu họ bao nhiêu và dùng họ như thế nào.

Phác thảo chân dung đồng nghiệp tương lai Gen Z: Tài năng nhưng "mong manh dễ vỡ", tìm việc chủ yếu qua internet, thích tự kinh doanh hoặc làm cho startup
Bà Thanh Nguyễn – Giám đốc điều hành Anphabe đang chia sẻ về những kết quả của nghiên cứu.

Trong vài năm tới, thị trường lao động thế giới và Việt Nam sẽ đón một làn sóng lao động mới từ thế hệ Z – gen Z. Vào năm 2025, gen Z sẽ chiếm 25% lực lượng lao động tại Việt Nam. Để giúp các doanh nghiệp và các lãnh đạo trong doanh nghiệp có một cái nhìn toàn cảnh về yếu tố mới trên thị trường lao động này, Anphabe đã tiến hành một cuộc nghiên cứu sâu về thế hệ này.

Gen Z là tên gọi được dành cho các bạn trẻ sinh từ khoảng năm 1998 trở về sau. Ngoài ra có nhiều tên gọi khác như i-gen (từ lúc sinh ra đã có thể sở hữu một sản phẩm bắt đầu bằng chữ i như ipod, ipad, iphone…), thế hệ đa màn hình (có thể vừa nghe nhạc, vừa chơi game, vừa mua đồ trực tuyến…) hay thế hệ ‘tắc kè hoa’, bởi sự đa sắc màu trong tính cách cũng như phương thức sống, học tập và làm việc.

Nghiên cứu của Anphabe dựa trên các khảo sát diện rộng và các buổi thảo luận chuyên sâu với gần 25.000 bạn trẻ gen Z trên toàn quốc, đến từ 93 trường đại học trọng điểm.

Kết quả nghiên cứu đã trả về 7 thực tế gây sốc và những điểm mù của doanh nghiệp trong chiến lược thu hút nhân tài trẻ.

Thứ nhất, thế hệ Z quá độc lập và tự tin vào quan điểm cá nhân, khiến doanh nghiệp đang mất vai trò định hướng nghề nghiệp

Khác với các thế hệ trước, có tới 81% các bạn trẻ gen Z tự tin cho biết mình rất hiểu rõ bản thân, biết mình thích và không thích làm gì.

Còn xét về yếu tố tác động đến định hướng nghề nghiệp của Gen Z, ngạc nhiên thay, họ chủ yếu chỉ dựa vào sở thích và năng lực cá nhân hơn là những tác động từ yếu tố gia đình và xã hội (như xu hướng chung, điều kiện kinh tế hay lời khuyên của bố mẹ, bạn bè…). Đáng ngại là vai trò của nhà trường và nhà tuyển dụng trong giai đoạn định hướng nghề nghiệp là rất thấp.

Thực tế gây sốc này cho thấy thế hệ trẻ với mong muốn “tự làm chủ bản thân” sẽ có thể cho các doanh nghiệp ra rìa vì vai trò mờ nhạt trong việc giúp họ định hướng nghề nghiệp.

Thứ hai, gen Z có mong muốn nghề nghiệp rõ ràng và rất nhiều doanh nghiệp đã “lọt” khỏi danh sách mong muốn đó. Nếu có thì độ cạnh tranh cũng ngày càng khốc liệt.

Mê khởi nghiệp, thích tự do và hướng về xã hội, gen Z mong muốn những lựa chọn nghề nghiệp vô cùng mở sau khi tốt nghiệp: 34% sinh viên gen Z sẵn sàng đầu quân cho các công ty start-up hoặc tự kinh doanh riêng; 8% các bạn cho rằng ‘chẳng cần đi làm công ty, làm freelance cũng tốt’; 14% thích làm việc tại các tổ chức phi lợi nhuận, thể hiện khuynh hướng rõ ràng của các ‘nhà hoạt động xã hội tương lai’.

Phác thảo chân dung đồng nghiệp tương lai Gen Z: Tài năng nhưng mong manh dễ vỡ, tìm việc chủ yếu qua internet, thích tự kinh doanh hoặc làm cho startup - Ảnh 2.
Lựa chọn nghề nghiệp của gen Z vô cùng mở.

Trong mắt thế hệ Y hoặc X, các tập đoàn đa quốc gia có hấp lực khó cưỡng; nhưng với các thế hệ Z thì ngược lại. Trong một cuộc khảo sát với định hướng nghề nghiệp cho sinh viên Việt Nam năm 2013, chỉ có 11% muốn làm cho các công ty Việt Nam sau khi ra trường; nhưng trong cuộc khảo sát này, tỉ lệ này là 55%.

Khác với gen Y và gen X rất “mê” làm việc cho các công ty nước ngoài, các bạn trẻ gen Z không ngần ngại chọn công ty nội địa. Việc giới trẻ không còn muốn bó mình trong các lựa chọn truyền thống đặt doanh nghiệp trước thách thức cạnh tranh khốc liệt khi nguồn cung nhân tài ngày càng giới hạn. Theo đó, trên thị trường nhân lực tương lai, không loại hình doanh nghiệp nào có ưu thế tuyệt đối, kể cả các doanh nghiệp toàn cầu.

Thứ ba, gen Z cởi mở với vô vàn lựa chọn nghề nghiệp chẳng liên quan gì đến ngành học, vì thế doanh nghiệp sẽ “đụng” phải vô vàn đối thủ cạnh không ngờ đến

Khác với các thế hệ trước là “nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa”; với thế hệ Z, quảng cáo – truyền thông và giải trí mới chiếm “ngôi vương” trong những ngành hấp dẫn nhất với sinh viên tất cả ngành học, kể cả những ngành như IT hay kỹ thuật. Kế đó là ngành ẩm thực – nghỉ dưỡng, nằm trong top 5 điểm đến hấp dẫn của 7/10 nhóm sinh viên tại các nhóm ngành.

Lo ngại các lựa chọn này có thể thay đổi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Anphabe đã thực hiện thêm 4 phiên thảo luận tập trung (focus group). Tuy nhiên, điều thú vị là bất chấp sự cố bất ngờ dịch bệnh, họ vẫn không thay đổi lựa chọn. Rõ ràng, chính sức hút của “sự sáng tạo, đổi mới nhanh và cơ hội được giao tiếp với nhiều người” của các nhóm ngành nói trên chính là những gì mà Gen Z mong đợi ở môi trường làm việc sắp tới.

Chính vì vậy, doanh nghiệp sẽ bị mất nhân tài mục tiêu cho rất nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành đang lên như quảng cáo – truyền thông và giải trí, chứ không chỉ trong ngành kinh doanh truyền thống của mình nữa.

Thứ tư, với gen Z, internet là chân lý; trong khi sự hiện diện online của các doanh nghiệp là rất hạn chế

Với đặc trưng của một công dân internet, gen Z thường săn lùng công việc chủ yếu qua online. Với họ: “không biết thì hỏi Google, chưa rõ thì tra Youtube”, nên khi lựa chọn công ty, gen Z sẽ tự tìm kiếm và đặt niềm tin gần như tuyệt đối vào thông tin trên mạng và đánh giá của cộng đồng, cao hơn rất nhiều so với tư vấn từ bạn bè, anh chị đi trước hay người thân bên cạnh.

76% ứng viên chia sẻ là mình tìm kiếm thông tin việc làm trực tiếp online, tiếp theo mới đến hỏi bạn bè và anh chị đi trước trong trường đại học – 59%, từ gia đình – họ hàng chỉ có 42%. Những trang mạng xã hội hoặc cộng đồng online về việc làm có tác động rất lớn đến định hướng nghề nghiệp của gen Z, ví dụ: trang Sinh viên và chuyện đi làm có hơn 56.000 người theo dõi, YBOX – Kênh thông tin chất lượng cao của giới trẻ và sinh viên Việt Nam có hơn 343.000 lượng thích.

Phác thảo chân dung đồng nghiệp tương lai Gen Z: Tài năng nhưng mong manh dễ vỡ, tìm việc chủ yếu qua internet, thích tự kinh doanh hoặc làm cho startup - Ảnh 3.
Các cộng đồng việc làm trên internet có tác động lớn đến sự lựa chọn của các bạn gen Z.

Thế nên, nếu không hiện hữu và xây dựng được ‘quyền lực online’ thì khả năng tác động tới thế hệ Z của doanh nghiệp sẽ rất giới hạn. Đã đến lúc doanh nghiệp cần chuyển đổi số cả công việc tuyển dụng.

Thứ năm, doanh nghiệp đầu tư nhiều nhưng “chỗ thừa, chỗ thiếu” và dù cố gắng nhưng vẫn chưa chạm vào nhu cầu khai phá nghề nghiệp của phần đông gen Z

Dù có tới 40% sinh viên từ năm đầu đã tích cực tham gia các hoạt động gặp gỡ nhà tuyển dụng và xây dựng trải nghiệm đi làm, nhưng theo đánh giá của họ về các hoạt động thu hút nhân tài của các công ty là rất hạn chế.

Cụ thể: sinh viên nhóm ngành y dược, kiến trúc – thiết kế – xây dựng đánh giá các hoạt động của doanh nghiệp rất thiếu và yếu; nhóm sinh viên nông – lâm – ngư nghiệp và điện – điện tử – viễn thông – tự động hóa cho rằng có nhiều hoạt động hỗ trợ từ DN nhưng hiệu quả chưa tốt; nhóm sinh viên ngành khoa học tự nhiên – khoa học xã hội và nhân văn cho rằng dù có chất lượng tốt nhưng cần phải có thêm nhiều hoạt động.

Ngược lại, ở nhóm ngành kinh tế, tài chính – ngân hàng, IT và kỹ thuật cơ khí công nghiệp lại chứng khiến hàng trăm doanh nghiệp cùng lúc “ưu ái” cả về số lượng và chất lượng hoạt động, điều này dẫn đến cạnh tranh rất cao.

Tóm lại, nếu khả năng tác động tới định hướng nghề nghiệp ban đầu của gen Z là khá khó do đây thế hệ rất “cứng đầu & bướng bỉnh trong suy nghĩ”, nhưng cơ hội “chạm” tới họ thông qua sự hiện diện online và các hoạt động  khai phá nghề nghiệp offline chuyên nghiệp là có. Tuy nhiên, để “quyến rũ” gen Z, thế hệ đòi hỏi cao theo cách riêng của họ, thì ngoài việc đầu tư bài bản về lượng, chắc chắn phải có sự hấp dẫn về chất .

Thứ sáu, sự bất đồng trong ‘thước đo năng lực’ mà doanh nghiệp đang hoạch định với những gì gen Z đang có và cần

Khi đo lường trên khung năng lực mà các doanh nghiệp yêu cầu ứng viên phải có khi đi làm, chỉ dưới 50% sinh viên gen Z thực sự tự tin là mình có tất cả các tiêu chí từ kỹ năng quản lý bản thân, tương tác, kiến thức căn bản và chuyên môn cho đến kỹ năng quản lý đội nhóm.

Còn theo một khảo sát của LinkedIn cũng tiết lộ một nghịch lý thú vị: “Có đến 76% gen Z cho rằng những kỹ năng cần thiết trong tương lai rất khác so với những gì mà các nhà tuyển dụng đang vẽ ra“.

Thực tế gây sốc này cho thấy tình trạng ‘đồng sàn dị mộng’ trong nhu cầu của doanh nghiệp và năng lực thực tế của ứng viên gen Z: trong khi doanh nghiệp yêu cầu một đằng, gen Z tự tin một nẻo. Rõ ràng, có một khoảng cách lớn giữa “thước đo năng lực” mà doanh nghiệp đang hoạch định với những gì gen Z đang có và nghĩ rằng họ cần.

Phác thảo chân dung đồng nghiệp tương lai Gen Z: Tài năng nhưng mong manh dễ vỡ, tìm việc chủ yếu qua internet, thích tự kinh doanh hoặc làm cho startup - Ảnh 4.
Tình trạng ‘đồng sàn dị mộng’ trong nhu cầu của doanh nghiệp và năng lực thực tế của ứng viên gen Z

Thứ bảy, thế hệ Z “tài năng nhưng mong manh dễ vỡ” chắc chắn sẽ tạo ra những thách thức về quản lý

Những phân tích về thái độ cho thấy hình ảnh rất đối lập khi gen Z là thế hệ thích học hỏi nhưng lại ngại bị phê bình; làm việc trách nhiệm nhưng điểm yếu là không chịu được áp lực; thích nghi nhanh nhưng lại ít thoải mái nếu có quá nhiều thay đổi. Do đó, thách thức đặt ra cho người sếp của thế hệ này phải rất “đa chiêu” mới có thể cân bằng giữa các điểm mâu thuẫn đối lập thì mới tránh được các đổ vỡ đáng tiếc.

Tóm lại, với 7 thách thức vừa kể trên, chắc chắn sẽ có những khó chịu về cách quản lý, xung đột trong kiến thức, văn hóa cho đến cách thức hợp tác và nhiều thực tế gây sốc hơn. Nhưng thay vì ngồi đó và tiếp tục quan ngại, doanh nghiệp có thể sẵn sàng cho tương lai bằng việc thay đổi góc nhìn. 

Nếu biết tận dụng thì chúng ta có thể có những cơ hội nhanh và sáng tạo hơn, chuyển đổi cũng như số hóa môi trường làm việc, tạo điều kiện để trui rèn ra một đội ngũ lãnh đạo thế hệ mới ứng biến với VUCA (VUCA leadership) và từ đó xây dựng một đội ngũ năng động, hòa hợp hơn.

Gen Z là thế hệ “gây rối” hoặc tạo đột phá cho nền kinh tế sẽ tùy thuộc vào việc chúng ta hiểu họ bao nhiêu và dùng họ như thế nào!“, bà Thanh Nguyễn – Giám đốc điều hành Anphabe kết luận.

Quỳnh Như – Theo Trí Thức Trẻ


Tham khảo thêm bài viết Gen Z

https://nguoidentubinhduong.com/2020/03/22/true-gen-generation-z-and-its-implications-for-companies/


Khảo sát của công ty nhân sự: Cứ 10 bạn trẻ thế hệ Z (1995-2005) có tới 5 người biết đến nghề nghiệp hiện tại của mình qua mạng xã hội

Mạng xã hội đã bỏ xa thông tin từ trường học (18,86%), bạn bè (17,92%) và truyền thông truyền thống (5,66%) để trở thành nguồn thông tin nghề nghiệp hàng đầu.

Mới đây, Adecco Việt Nam vừa công bố ấn bản “Khảo sát lựa chọn nghề nghiệp và động lực làm việc”. Tài liệu này tập trung vào những khía cạnh quan trọng trong lựa chọn nghề nghiệp, cùng những yếu tố thúc đẩy khả năng làm việc của người lao động Việt Nam.

Kết quả khảo sát cho thấy, lợi ích về lương và tài chính vẫn là ưu tiên hàng đầu với người lao động, theo sát là công nhận về mặt chuyên môn và thỏa mãn trong công việc. Tuy nhiên, khi được hỏi về lý do nghỉ việc, thiếu hụt cơ hội phát triển sự nghiệp lại là lý do hàng đầu (51,3%), tiếp đến là cơ hội tốt hơn (32,4%) và quan hệ không tốt với sếp trực tiếp (10,8%). 

Lý giải điều này, bà Lê Nguyễn Ngọc Thanh – Giám đốc Văn phòng TP. Hồ Chí Minh, Adecco Việt Nam cho biết: “Có rất nhiều yếu tố tác động đến trải nghiệm đi làm của người lao động, phần lớn là những yếu tố không liên quan đến tài chính. Ngoài phúc lợi về tài chính, nhiều nhân tố nội bộ như cơ hội phát triển nghề nghiệp, văn hóa công ty, mỗi quan hệ giữa đồng nghiệp vẫn có thể được kiểm soát để ngăn tình trạng chảy máu nhân tài.”

Khảo sát cũng bật mí thông tin rất thú vị về thế hệ Z (1995-2015) – thành viên mới nhất của lực lượng lao động, với 48,11% thế hệ Z biết đến nghề nghiệp hiện tại của mình qua mạng xã hội. Mạng xã hội đã bỏ xa thông tin từ trường học (18,86%), bạn bè (17,92%) và truyền thông truyền thống (5,66%) để trở thành nguồn thông tin nghề nghiệp hàng đầu. 

“Thế hệ Z Việt Nam, với lợi thế được đào tạo và khả năng tìm kiếm thông tin, trở nên chủ động trong sự nghiệp sớm hơn so với những thế hệ trước. Các bạn bắt đầu tìm kiếm cơ hội thực tập từ năm nhất Đại học, và không ngại mở rộng mối quan hệ của bản thân qua các sự kiện. Tuy vậy, kỹ năng của các bạn vẫn còn mang tính lý thuyết, cần được rèn luyện thêm trong quá trình làm việc, nhất là kỹ năng mềm”, ông Andree Manges – Tổng Giám đốc Adecco Malaysia & Việt Nam nhận xét.

Thưc tế, khi được hỏi về nơi đào tạo kỹ năng làm việc tốt nhất, 48,55% thế hệ Z Việt Nam cho biết được rèn luyện qua kỳ thực tập, 40,75% qua hoạt động câu lạc bộ và 34,7% qua công việc làm thêm. Rất nhiều công ty lớn hiện nay tập trung phát triển nhân tài từ trên ghế nhà trường, với mong muốn xây dựng quỹ nhân tài có chuyên môn cao, phù hợp với cách làm việc và văn hóa công ty. 

Với xu hướng phát triển và nhu cầu nhân tài chất lượng cao ngày càng gia tăng tại Việt Nam, công ty cần tìm hiểu kỹ về những lý do tác động đến lựa chọn nghề nghiệp và động lực làm việc của người lao động, đặc biệt qua các độ tuổi và thời ký sự nghiệp khác nhau, qua đó xây dựng chiến lược hợp lý để thu hút, giữ và phát triển nguồn nhân tài thích hợp.

Nhân Anh Theo Trí Thức Trẻ


7 đặc điểm khiến thế hệ Gen Z Việt Nam, dù chưa kiếm ra nhiều tiền, vẫn đủ sức mạnh thay đổi các ngành từ kinh doanh đến công nghệ, giải trí

Chỉ chiếm khoảng 20% dân số Việt Nam nhưng Gen Z đang và sẽ có tác động không nhỏ đến mọi mặt của nền kinh tế trong nước, từ tiêu dùng đến giải trí.

Gen Z là thế hệ được nhắc đến khá nhiều trong những năm gần đây. Sinh sau năm 1996, gần với thời điểm Internet chính thức du nhập vào Việt Nam, Gen Z là thế hệ của thời đại số.Ở Việt Nam hiện nay, Gen Z được chia thành 2 nhóm chính: Nhóm bắt đầu đi làm và nhóm vẫn phụ thuộc nhiều vào bố mẹ. Dù Gen Z nói chung chỉ chiếm khoảng 20% dân số Việt Nam; trong đó những cá nhân sinh từ 1996 đến 2006 chỉ chiếm khoảng 13%, nhưng Gen Z đang có ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội hiện nay.

“Sau thời gian nghiên cứu cả mảng game, mảng quảng cáo, lẫn mảng thanh toán thì chúng tôi nhận thấy thế hệ này đã và đang tạo ra những bước chuyển rất mạnh mẽ”, anh Đặng Thái Sơn, Giám đốc marketing (CMO) Appota, công ty tiên phong trong ngành công nghiệp giải trí số của Việt Nam chia sẻ.

7 đặc điểm khiến thế hệ Gen Z Việt Nam, dù chưa kiếm ra nhiều tiền, vẫn đủ sức mạnh thay đổi các ngành từ kinh doanh đến công nghệ, giải trí - Ảnh 1.
Nguồn: Appota

Anh Sơn chỉ ra 7 đặc điểm khiến Gen Z, dù thu nhập không nhiều và chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu dân số, vẫn tạo ra nhiều ảnh hưởng lớn đến các hoạt động trên thị trường hiện nay.

1. iGen

Lý giải vì sao Gen Z được gọi là thế hệ iGen (viết tắt iGeneration), CMO Appota cho biết những cá nhân này sinh từ 1996 trở đi, thì đến 1997 Internet đã vào Việt Nam. Liền sau đó là sự xuất hiện của Facbook (2004), Youtube (2005), hay iPhone (2007).

“Toàn bộ cuộc sống của họ từ khi sinh ra đã có liên quan tới Internet”.

2. Những người tạo xu hướng mới

Dù nhóm đối tượng này chỉ chiếm 20% dân số, ít hơn thế hệ millenial, nhưng lại gây ảnh hưởng trực tiếp bởi phần lớn xu hướng của giới trẻ hiện nay đều từ nhóm này mà ra.”Những trend (xu hướng-PV) này không chỉ ảnh hưởng đến người trong độ tuổi của họ mà còn nhiều người sinh ra ở giai đoạn trước đó. Nhiều câu nói trở thành trào lưu cửa miệng, xuất hiện trong cả các chương trình giải trí trên TV hay các chương trình quảng cáo”, anh Sơn cho biết.

3. Tạo ảnh hưởng trong mảng tiêu dùng

Gen Z ảnh hưởng nhiều đến thị trường tiêu dùng hiện nay. Dù họ chưa tạo ra nhiều tiền khi mới chỉ có một bộ phận bắt đầu đi làm và số tiền kiếm ra cũng không quá lớn, nhưng khác với thế hệ trước, Gen Z có thể sẽ là người quyết định xem gia đình họ sẽ mua bàn ghế loại nào, nên sắm thêm đồ đạc gì hay màu sơn trong nhà phải là màu thế nào.Đây là thế hệ có chính kiến cao và họ ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của những người có nhiều tiền trong gia đình.

4. Yêu thích điên thoại đi động

Số liệu từ Appota cho thấy có tới 39% Gen Z ưu tiên sử dụng các ứng dụng trên điện thoại mà không quan tâm đến phiên bản web trực tuyến.Lấy ví dụ cho nhận định này, CMO Appota nói rằng trong mảng ngân hàng, nếu các thế hệ trước đây hay để ý ngân hàng nằm vị trí nào để gửi tiết kiệm, sau đó chuyển dần sang nền tảng web online thì Gen Z chuyển sang dùng ứng dụng trên điện thoại là chủ yếu, phiên bản web họ sử dụng ít hơn rất nhiều.

7 đặc điểm khiến thế hệ Gen Z Việt Nam, dù chưa kiếm ra nhiều tiền, vẫn đủ sức mạnh thay đổi các ngành từ kinh doanh đến công nghệ, giải trí - Ảnh 2.
CMO Appota Đặng Thái Sơn.

5. Thích các nội dung tương tác

Nếu thế hệ trước đây thích đọc báo, xem truyền hình thì một bộ phận Gen Z chuyển sang thích xem bóng đá kiểu livestream trên Facebook để được cùng bình luận về một bàn thắng, cùng chia sẻ cảm xúc với nhau.

Một trào lưu khác nữa là thế hệ trước chỉ chơi game, sau đó lọt top server là vui mừng thì sang Gen Z, nhu cầu của họ thay đổi lớn hơn nhiều. “Các bạn ấy cần game nhiều người chơi, phải có các giải đấu lớn để được quyền tương tác, phải có những người nổi tiếng stream về game ấy rồi họ được giao lưu với những người nổi tiếng,…”

6. Khả năng tự học cao

Anh Sơn đánh giá Gen Z là nhóm thế hệ có khả năng tự học cao, vì đây là nhóm có tiếng Anh tốt nhất. So với các nhóm thế hệ trước đây, họ được đào tạo bài bản hơn và cơ hội truy cập thông tin cũng nhiều hơn, đặc biệt là những người sống tại các thành phố lớn.

7. Sáng tạo nhiều content tốt

Khả năng học hỏi cao kết hợp với sự sáng tạo không ngừng và những hỗ trợ từ công nghệ khiến Gen Z tạo được nhiều content có nội dung hấp dẫn.

Anh Sơn cho rằng nhiều nội dung do Gen Z thực hiện có chất lượng không thua kém những đơn vị chuyên nghiệp tạo ra như Đài Truyền hình Việt Nam hay các trung tâm báo chí lớn.

“Từ những đặc điểm nghiên cứu ở trên, chúng tôi cảm thấy thế hệ này ảnh hưởng lớn đến quá trình kinh doanh nói chung cũng như các lĩnh vực khác như công nghệ, giải trí, tiêu dùng nói riêng”, CMO Appota cho biết.

Theo anh Sơn, sự thay đổi của Gen Z sẽ đặt ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp startup trong mảng công nghệ để nếu họ biết tạo ra các mô hình kết hợp giữa công nghệ và độ nhạy bén nắm bắt xu hướng của giới trẻ.

Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp startup vượt các doanh nghiệp truyền thống trong mảng ngân hàng, truyền hình,…thậm chí trở thành “kỳ lân” tại thị trường Việt Nam.

Cuối cùng là cơ hội tạo ra môi trường kinh doanh có tính kết nối cao hơn, hòa nhập quốc tế hơn; tạo ra môi trường phát triển năng động cho những người trẻ đem lại giá trị với đất nước. Ví dụ trước đây, mọi người nghĩ chơi game là xấu nhưng giờ có nghề stream, khiến nhiều bạn trẻ kiếm được thu nhập cao hơn mặt bằng chung của thị trường, đồng thời có cơ hội đi thi đấu trên trường quốc tế để đem vinh quang về cho đất nước.

Gen Z là tương lai của nền kinh tế. Họ mang tới cơ hội chung cho tất cả các doanh nghiệp nếu chúng ta biết tận dụng và khai thác“, giám đốc marketing Appota khẳng định.

Hồng Lam Theo Trí Thức Trẻ


Gen Z và cái kết với Sale – Các nhà tiếp thị


Cơn stress của toàn dân Sales và Marketing: Hơn 20 triệu người Việt thế hệ Z sắp “làm chủ” thế giới tiêu dùng, họ không thích khoe xe, khoe nhà, mà muốn khoe trải nghiệm, với trí nhớ “cá vàng” 6 giây

Thế hệ Z (Gen Z) là công dân toàn cầu. Họ không còn chút nào thói quen tiết kiệm, cất vàng để lại cho con cháu, không còn khoe trên Facebook “tôi có căn nhà lớn, 3 chiếc xe hơi” mà thường xuyên khoe họ đã trải nghiệm những gì trên thế giới. Họ không còn định nghĩa phải sở hữu căn nhà ở ngoại ô mới là yếu tố quyết định hạnh phúc của mình. Với Gen Z, giá trị không nằm ở vật chất, giá trị của họ là trải nghiệm…

Ngày hôm nay, nhiều dân Sales và Marketing vẫn nói nhiều về Thế hệ Y (còn gọi là Millennials – những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000). Nhưng chỉ 5 năm nữa, người làm chủ thế giới tiêu dùng sẽ là Thế hệ Z (Gen Z), ông Nguyễn Đình Toàn – Phó Tổng Giám Đốc Marketing của Suntory PepsiCo Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn MMA Ditital với chủ đề Shape the Future (tạm dịch: Dẫn hướng tương lai) mới đây.

MMA là tên viết tắt của Hiệp hội Mobile Marketing Việt Nam, với tầm nhìn rằng mobile marketing sẽ tương lai của digital marketing (tiếp thị nội dung số). Đây là lần đầu tiên MMA tổ chức Digital Forum tại Hà Nội.

Theo ông Toàn, nếu doanh nghiệp muốn sở hữu một thương hiệu luôn tương thích với người tiêu dùng ngày mai, thì ngay hôm nay, để chuẩn bị cho những bước phát triển mới của doanh nghiệp mình, chúng ta nên nghĩ tới Gen Z.

Chỉ người già mới khoe tài sản. Còn người trẻ, thứ họ muốn khoe với thế giới là “Tôi đã trải nghiệm điều gì trên thế giới này”

Theo thống kê, trong 2025, hơn 20 triệu dân Việt Nam sẽ thuộc độ tuổi Gen Z. Và thế hệ này, cả tư duy và hành vi của họ hoàn toàn khác với thế hệ Y trước đó. Đối với họ, thế giới ảo và thế giới thật không còn khoảng cách. Họ trở thành một công dân toàn cầu rất rõ, không còn bị giới hạn bởi văn hóa làng xã.

Chính vì vậy, xu hướng tiêu dùng trong tương lai hoàn toàn được định hình bởi thế hệ này – thế hệ muốn hành động của mình có thể trở thành một phần của sự thay đổi thế giới.

Một trong 5 xu hướng được Phó Tổng Giám Đốc Marketing của Suntory PepsiCo Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch MMA đưa ra là Trải nghiệm.

“Thế giới ngày càng trở nên thừa thãi, người tiêu dùng ngày càng chán ghét sở hữu. Họ không còn nghĩ ngày mai có căn nhà lớn, 3 chiếc xe hơi, hoặc có căn nhà ở ngoại ô trở thành yếu tố quyết định hạnh phúc của mình. Gen Z ngày hôm nay nghĩ rằng tiền tệ không còn là vật chất, tiền tệ là để trải nghiệm”.

Cơn stress của toàn dân Sales và Marketing: Hơn 20 triệu người Việt thế hệ Z sắp làm chủ thế giới tiêu dùng, họ không thích khoe xe, khoe nhà, mà muốn khoe trải nghiệm, với trí nhớ cá vàng 6 giây - Ảnh 2.

Nhìn trên Facebook chúng ta sẽ thấy, nhiều bạn trẻ không còn khoe họ có gì, chỉ người già mới khoe như vậy. Còn người trẻ, càng trẻ bao nhiêu thì thứ họ càng muốn khoe với thế giới là “Tôi đã trải nghiệm điều gì trên thế giới này“”, ông Toàn chia sẻ.

Phó Chủ tịch MMA cho biết, ham muốn trải nghiệm của Gen Z cũng là lý do rất nhiều doanh nghiệp đang stress vì cho rằng nhân viên giờ lười quá, làm thì ít mà đi du lịch thì nhiều.

“Những nhân viên thế hệ Z thường không muốn làm việc Thứ Bảy, Chủ Nhật, mà luôn có kế hoạch đi đâu đó. Vì ngày mai định nghĩa hạnh phúc của họ không còn là vật chất, mà định nghĩa hạnh phúc là trải nghiệm”, ông Toàn nói.

Gen Z ngày nay muốn cuộc sống của họ phong phú hơn, không muốn giống như cha mẹ chỉ đi làm về rồi tiết kiệm, gửi tiền ngân hàng hay cất giấu vàng để lại cho con cái sau này. Những yếu tố đó không còn là giá trị hay hành vi của Gen Z ngày mai.

Cho nên, trải nghiệm là yếu tố quan trọng cần được tạo ra. Trải nghiệm giúp thương hiệu được chú ý bởi người tiêu dùng, nhất là trong thời đại các bộ óc “cá vàng”, với ngập tràn thông tin, chỉ tập trung được trong 6s. Khi lướt những newsfeed trên Facebook, có những thương hiệu chỉ đi qua cuộc đời người tiêu dùng và biến mất trong 6s ngắn ngủi.

“Đừng giữ Brand Awareness như thước đo thương hiệu, sẽ chẳng còn ai để tâm bạn là ai, mà bạn là cái gì trong cuộc đời của tôi mới là việc quan trọng”

Một ví dụ nhỏ để thấy sự khác biệt giữa Gen Y và Gen Z. Khi chúng ta nói đi du lịch, bố mẹ sẽ hình dung là đi lên một chiếc xe khách đi lòng vòng, đến một điểm dừng lại bao lâu, đi lại xung quanh rồi lại lên xe, quay sang chỗ khác, rồi lại dừng lại, tham quan, chụp hình.

Cơn stress của toàn dân Sales và Marketing: Hơn 20 triệu người Việt thế hệ Z sắp làm chủ thế giới tiêu dùng, họ không thích khoe xe, khoe nhà, mà muốn khoe trải nghiệm, với trí nhớ cá vàng 6 giây - Ảnh 4.
Định nghĩa đi du lịch của thế hệ Z khác biệt hoàn toàn với cha mẹ mình. Ảnh: Ivivu.

Đó là cách du lịch của ngày hôm qua. Còn với thế hệ Z ngày nay, du lịch là trải nghiệm nơi bạn đến một cách trọn vẹn nhất. Bạn sống và tận hưởng từng chút chứ không phải bạn đi du lịch chỉ để check-in.

“Cho nên khi tạo ra sản phẩm mới, cần chú trọng quá trình trải nghiệm. Quá trình trải nghiệm giúp người tiêu dùng ở lâu hơn với thương hiệu của mình, từ đấy xây dựng mối quan hệ. Nhiều người thường bị chú ý bởi Brand Awareness (Độ nhận biết thương hiệu – PV), 5 năm nữa thôi yếu tố này không còn quan trọng nữa”.

“Chẳng ai quan tâm bạn là ai, mà bạn như thế nào mới là chuyện quan trọng. Bạn là cái gì trong cuộc đời của tôi mới là việc quan trọng. Cho nên, nên bỏ chữ Brand Awareness ra khỏi thước đo thương hiệu của bạn, nếu không bạn sẽ tốn rất nhiều tiền cho những thứ vô bổ đó”, ông Toàn nhìn nhận.

Bên cạnh yếu tố Trải nghiệm, 4 xu hướng tiêu dùng khác được ông Toàn đề cập tới là:

– Tính cá nhân hóa,

– Hoà nhập và kết nối với thế giới xung quanh, muốn một giải pháp nhanh, tiện lợi và luôn on-trend để kết nối giữa thế giới thực và ảo,

– Chấp nhận sự khác biệt,

– Gen Z muốn hành động mua hàng của họ mang đến giá trị rất lớn cho xã hội, lớn hơn so với đồng tiền họ bỏ ra. Họ muốn rằng mỗi hành độngc ủa họ có thể thay đổi thế giới.

Với các xu hướng trên trong tương lai, một lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp nhỏ là nếu sáng tạo, tinh tế và đi nhanh, chúng ta có thể chiếm lấy trái tim của người tiêu dùng với chi phí rất nhỏ.

Bảo BảoTheo Trí Thức Trẻ


Thế hệ Z – mối bận tâm của nhà tiếp thị

Theo kết quả khảo sát về phản ứng với quảng cáo được thực hiện bởi Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Millward Brown, thế hệ Z là trở ngại lớn nhất cho các nhà tiếp thị và quảng cáo ở khu vực Đông Nam Á.

Thế hệ Z là một thuật ngữ đề cập đến “đội quân” nhân khẩu học sau thế hệ thiên niên kỷ, được định nghĩa là những người sinh ra từ giữa cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuộc khảo sát toàn cầu này được tiến hành tại 39 quốc gia và dữ liệu của khu vực Đông Nam Á bao gồm các nước Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Thế hệ Z tham gia cuộc khảo sát này trong độ tuổi từ 16-19. Họ lớn lên trong thời đại chín muồi của công nghệ và trở thành thế hệ “sành” công nghệ nhất cho đến hiện nay.

Nhìn từ góc độ sở hữu các loại thiết bị thì thế hệ Z trông giống như thế hệ thiên niên kỷ (hay thế hệ Y) nhưng giữa hai thế hệ tồn tại một số khác biệt quan trọng.

Cụ thể, thế hệ Z thích truyền thông qua hình ảnh, sử dụng cùng lúc nhiều mạng xã hội để kết nối. Họ ít xem tivi, nghe radio hay xem báo in so với các thế hệ trước: chỉ 52% xem tivi một giờ hoặc nhiều hơn mỗi ngày, so với 77% của thế hệ Y (20-34 tuổi) và X (35-49 tuổi). Họ ghét bị quảng cáo tấn công và muốn các thương hiệu tôn trọng không gian trực tuyến của họ. Theo khảo sát, 22% thành viên thế hệ Z của Việt Nam phản ứng tiêu cực với quảng cáo pop-up (cửa sổ tự động nhảy ra mà bạn không hề bấm chuột khi đang lướt web).

Có lẽ điều khiến các thương hiệu phải bận tâm nhất là nhiều quảng cáo thậm chí không được những người trẻ thế hệ này xem qua. Theo báo cáo khảo sát thì phần mềm chặn quảng cáo xuất hiện trên 23% máy tính desktop và 18% điện thoại di động. “Rõ ràng, thế hệ Z không phải là những người hâm mộ tuyệt vời của nội dung quảng cáo trong tình trạng hiện nay”, Kamal Oberoi – Giám đốc cấp cao về giải pháp trực tuyến và truyền thông của Kantar Millward Brown nói.

Họ không thích các thương hiệu xâm chiếm không gian của mình, cũng không thích các quảng cáo lạc lõng, không kết nối được với nhu cầu và mong muốn của họ. Cơ hội lớn nhất cho các nhà tiếp thị là gắn kết thế hệ này với các quảng cáo thật và trung thực, mời gọi khán giả cùng tham gia nếu như họ chọn lựa.

Nói về khía cạnh sáng tạo trong quảng cáo, hài hước là đặc tính tích cực nhất đối với thế hệ Z ở Đông Nam Á (58%), theo sau đó là khả năng kể một câu chuyện hấp dẫn (51%) và âm nhạc hay (50%). Hơn nữa, mặc dù chịu sự ảnh hưởng của cơn bùng nổ tiếp thị, chỉ 22% thành viên của thế hệ Z nói rằng người nổi tiếng làm họ cảm thấy tích cực hơn về một quảng cáo nào đó. Đối với người nổi tiếng trên mạng xã hội, tỷ lệ này thậm chí còn xuống thấp hơn, chỉ 17%.

Thế hệ Z sẽ sớm trở thành lực lượng tiêu dùng quan trọng đối với các nhà tiếp thị khi họ bắt đầu tham gia thị trường lao động và tiêu tiền của riêng mình. Dưới đây là một số lưu ý các nhà tiếp thị cần quan tâm nếu muốn nhắm thế hệ này:

Sự riêng tư là trên hết

Lớn lên trong thời đại kỹ thuật số, họ hiểu rằng thông tin tồn tại trên mạng có thể làm vấy bẩn thương hiệu cá nhân của họ ra sao. Theo Công ty Nghiên cứu và tư vấn Change Sciences, 81% thành viên thế hệ Z tại Mỹ thiết lập quyền riêng tư và giới hạn những ai có thể nhìn thấy thông tin cập nhật của họ trên mạng.

Đó cũng là lý do mà những cái tên như Whisper và Snapchat trở nên phổ biến hơn với thế hệ này. Hơn phân nửa thanh thiếu niên Mỹ trong độ tuổi từ 16-24 đang sử dụng Snapchat. Những công ty như thế xây dựng sản phẩm của họ để phục vụ nhu cầu riêng tư của thế hệ này với các tính năng vượt trội.

Nhanh hơn, ngắn hơn và nhiều hình ảnh hơn

Thu hút sự chú ý của thế hệ Z là một thách thức. Thời gian chú ý của họ không kéo dài hơn 8 giây. Không giống như thế hệ thiên niên kỷ, họ thích hình ảnh hoặc biểu tượng (emoji) hơn là lời.

Vì thế, nội dung được thể hiện bằng hình ảnh và được “chẻ” nhỏ là cách tiếp cận phù hợp để thu hút sự chú ý của họ.

Tự sáng tạo nội dung

Trong khi thế hệ thiên niên kỷ thích chia sẻ nội dung, thế hệ Z thích tự sáng tạo nội dung hơn. Họ khám phá bản sắc và thử định nghĩa chính mình qua nội dung mà họ tạo nên. Bằng cách này, họ có thể chia sẻ câu chuyện của họ, học hỏi lẫn nhau và xây dựng một cộng đồng.

Những nền tảng ứng dụng mới như musical.ly – giúp người dùng có thể tự tạo những đoạn phim ca nhạc dạng karaoke và chia sẻ với cộng đồng là ví dụ điển hình về một sản phẩm đang gặt hái thành quả từ nhu cầu sáng tạo nội dung của thế hệ Z.

Theo Long Hồ – Doanh nhân Sài Gòn

4 thoughts on “Phác thảo chân dung đồng nghiệp tương lai Gen Z

Thank you so much