Podcast và Âm thanh trực tuyến Việt Nam


Nền tảng âm thanh trực tuyến Việt tăng gấp đôi người dùng trong dịch COVID-19

Quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups Vietnam đã quyết định đầu tư vòng hạt giống cho Voiz FM, sau khi số người dùng của nền tảng âm thanh trực tuyến này tăng gấp đôi chỉ trong dịch COVID-19.

Nền tảng âm thanh trực tuyến Việt tăng gấp đôi người dùng trong dịch COVID-19 - Ảnh 1.
Đội ngũ sáng lập Voiz FM chụp hình cùng đại diện quỹ 500 Startups Vietnam – Ảnh: VOIZ FM

Voiz FM hôm 29-5 cho biết đạt được thành tích này do nhu cầu sử dụng sách nói và podcast tăng cao trong 4 tuần giãn cách xã hội vì COVID-19.

Trong bối cảnh các ứng dụng sách nói trên thị trường Việt Nam kiếm tiền từ việc khai thác sách nói vi phạm bản quyền, Voiz FM đã lựa chọn chiến lược lâu dài và tôn trọng bản quyền triệt để và tiến hành đàm phán mua bản quyền từ các tác giả và nhà xuất bản sách.

“Ban đầu, số lượng đầu sách của chúng tôi tăng rất chậm so với các đối thủ vi phạm bản quyền.

Tuy nhiên, nhờ vào định hướng “100% bản quyền” mà chỉ trong vòng 6 tháng, chúng tôi đã có thể hợp tác với nhiều đơn vị xuất bản và phát hành sách uy tín, cùng hợp đồng độc quyền khai thác sách nói của hơn 1.000 tựa sách bán chạy nhất”, Trần Ngọc Thái, đồng sáng lập Voiz FM, chia sẻ.

Một số đơn vị xuất bản phối hợp cùng Voiz FM bao gồm NXB Kim Đồng, NXB Tổng Hợp TP.HCM, NXB Trẻ, First News, Saigonbooks, Alphabooks, Quảng Văn, Bách Việt,…

Theo ông Thái, nguồn vốn mới sẽ được Voiz FM dùng để phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường. Voiz FM sẽ nâng cao trải nghiệm nghe của người dùng bằng việc ra mắt thuật toán gợi ý (recommendation) vào đầu tháng 7 dựa trên hành vi nghe của họ.

Bên cạnh đó, Voiz FM đang phát triển riêng công cụ Giọng đọc Trí tuệ Nhân tạo (AI Voice) để rút ngắn thời gian và chi phí sản xuất nội dung, đồng thời phục vụ nhu cầu chọn giọng nói theo sở thích của người dùng.

Trong 1 thử nghiệm khách hàng gần đây của nhóm, hơn 80% người dùng không thể phân biệt được AI Voice của Voiz FM với giọng nói của người thật. Voiz FM dự tính sẽ ra mắt công cụ này vào tháng 10-2020.

Nhóm cũng có kế hoạch mở rộng sang các thị trường Đông Nam Á khác trong tương lai gần.

NGUYÊN HẠNH – Tuổi Trẻ Online


Podcast: Từ chỉ vài người nghe đến một ngành công nghiệp toàn cầu

Việc con người tiếp nhận thông tin qua âm thanh đã khởi đầu từ cách cộng đồng nghe chung qua hệ thống phát thanh công cộng, rồi cả gia đình cùng nghe từ chiếc radio đặt giữa nhà, cho đến trải nghiệm cá nhân hơn với tai nghe và các thiết bị mang theo người. Giai đoạn tiếp nối của quá trình “tiến hóa” này chính là podcast.

Năm 2005, từ điển Oxford thêm podcast vào kho từ vựng của mình với định nghĩa “một tập tin âm thanh kỹ thuật số có thể được tải từ Internet và phát trên máy tính hoặc thiết bị mà bạn có thể mang theo bên mình”.

Nếu tính từ mốc đó thì nay podcast đã bước vào tuổi 15 và trở thành một ngành công nghiệp sôi động trị giá tỉ đô. Những tập tin âm thanh thu sẵn được tải lên mạng cho mọi người tải về nghe tưởng chừng như chìm lẫn giữa nguồn tài nguyên vô tận trên Internet, giờ lại được đón nhận như một món ăn tinh thần không thể thiếu.

Podcast: Từ chỉ vài người nghe đến một ngành công nghiệp toàn cầu
Ảnh: Clipart.email

LỊCH SỬ THÚ VỊ

Podcast đã đi từ “không thể nghe nổi” đến “không thể bỏ lỡ” như thế nào? BBC đã trả lời câu hỏi đó trong một bài viết hồi tháng 9-2019, mở đầu bằng việc nhắc lại nguồn gốc thú vị của 
từ podcast.

Đó là một buổi tối cách đây 15 năm, khi nhà báo Ben Hammersley vừa nộp bài viết về phát thanh trực tuyến và chuẩn bị ra về thì nhận một cuộc gọi từ ban biên tập. “Chúng tôi cần thêm một câu nữa để dàn cho đầy trang” – một biên tập viên người Anh nói với Ben.

Ben đã viết thêm “một câu khá khoa trương”: “Và chúng ta nên gọi hiện tượng mới này là gì đây – audioblog hay podcast?”. Đó là giây phút chào đời của thuật ngữ công nghệ nổi tiếng. Vài tháng sau, ban biên soạn từ điển Oxford gọi cho Ben và hỏi có phải anh đã “bịa” ra từ podcast không vì họ không thể tìm thấy bất kỳ trích dẫn nào có liên quan.

Ben xác nhận quả đúng là như vậy. Podcast có thể không được sinh ra vào tối hôm đó, nhưng hiện tượng công nghệ mới cuối cùng đã có một cái tên chính thức. Một thập kỷ rưỡi sau bài báo của Ben Hammersley, những bản ghi âm MP3 “gần như chẳng có gì đáng nghe” đã trở thành một ngành công nghiệp toàn cầu.

Podcast hiện được sản xuất bởi các hãng phát thanh truyền hình thương mại, cá nhân và công ty không liên quan gì đến lĩnh vực truyền thanh. Trong thực tế, bất cứ ai có điều gì muốn nói và một ít tiền để mua thiết bị đều có thể tham gia làm podcast. Các tập tin âm thanh kỹ thuật số có thể được sản xuất với kinh phí siêu rẻ và vô cùng dễ phát tán lên mạng Internet.

Podcast: Từ chỉ vài người nghe đến một ngành công nghiệp toàn cầu
Ảnh: NYT

VÌ SAO PHỔ BIẾN?

Ben Hammersley cho rằng có hai nhân tố chính đã thay đổi thị trường trong những năm vừa qua: công nghệ kỹ thuật và văn hóa.

Bước đột phá đầu tiên chính là vào năm 2012 khi Apple sản xuất ứng dụng Apple Podcasts, thực tế đã chứng minh đây là một hệ thống thư viện dễ dùng và phổ biến với người nghe.

Theo sau đó là sự cải tiến mạnh mẽ trong việc sản xuất thiết bị ghi âm và công cụ biên tập giá rẻ. Cuối cùng là sự phát triển rộng rãi của 4G và WiFi cho phép người nghe khám phá, tải xuống hoặc truyền phát bất cứ khi nào họ muốn.

Bước ngoặt văn hóa đến vào năm 2014 với chương trình podcast mang tên Serial, một tác phẩm báo chí điều tra do nhà báo Sarah Koenig dẫn. Mỗi mùa của chương trình sẽ tập trung điều tra một vụ án có thật trong nhiều tập. Đến nay, mùa đầu tiên và thứ hai của chương trình đã có hơn 340 triệu lượt tải xuống.

Các nền tảng podcast quen thuộc nhất hiện nay ngoài Apple còn có những tên tuổi lớn như Google Podcasts hay BBC Sounds, một vài nhân tố trẻ trung và được phần đông giới trẻ ưa chuộng hơn có Spotify, Stitcher và SoundCloud. Mỗi nền tảng là một thư viện các show (chương trình), mỗi show có nhiều episode (tập), được cập nhật đều đặn để người dùng nghe online hoặc tải về nghe dần.

Ngay cả YouTube, trang chia sẻ video lớn nhất thế giới, cũng có cung cấp podcast. Người dùng dưới 35 tuổi thường có xu hướng sử dụng YouTube để nghe podcast trong khi đang làm việc gì đó, như đang chơi game chẳng hạn.

THỜI KỲ BÙNG NỔ

Theo báo The Guardian ngày 4-5, năm 2020 được cho là giai đoạn bùng nổ của podcast. Hiện tại có hơn 900.000 podcast chỉ riêng trên Apple Podcasts để thính giả lựa chọn.

Tại Mỹ, 22% dân số nghe ít nhất một podcast mỗi tuần và 51% nghe ít nhất một podcast trong đời. Trong khi đó ở Anh, 12,5% dân số nghe podcast hằng tuần, tăng 58% trong hai năm qua. Những người hâm mộ podcast ở Anh đang nghe trung bình 7 podcast mỗi tuần.

Cũng theo The Guardian, podcast đang vào thời hoàng kim khi các đại gia công nghệ, giải trí lẫn những thương hiệu lớn, các siêu sao, người nổi tiếng đang dần lấn sân vào lĩnh vực này nhiều hơn bao giờ hết. Những vụ mua lại nổi bật trên thị trường cho thấy việc kinh doanh podcast sắp đến giai đoạn sôi động nhất.

Năm 2019, Spotify đã đầu tư một khoản kếch xù hơn 396 triệu đôla Mỹ để mua lại Gimlet Media and Parcast (chuyên sản xuất podcast) cùng Anchor (cung cấp công cụ cho người làm podcast).

Hãng phim Universal của Mỹ đã ký hợp đồng với Wonderery để sản xuất podcast Dirty John chuyên đề tội phạm thực tế. Sony có một thỏa thuận tương tự với Somethin’ Else để sản xuất show “David Tennant làm podcast với…”, mà khách mời là người nổi tiếng trong các lĩnh vực truyền hình, phim ảnh, hài kịch.

Các kênh của người nổi tiếng đa dạng trong khắp mọi lĩnh vực, từ ca sĩ Jessie Ware, người dẫn chương trình truyền hình Fearne Cotton, diễn viên hài Sue Perkins, vận động viên đua xe đạp Bradley Wiggins. Ngay cả gia đình cựu tổng thống Mỹ Obama cũng đã đăng ký để sản xuất podcast độc quyền 
cho Spotify.

TƯƠNG LAI SẼ THẾ NÀO?

Podcast sống được vì chúng ta đang hấp thu ngày càng nhiều nội dung tin tức, giải trí bằng thính giác hơn so với trước đây, đơn giản vì trong khi nghe chúng ta vẫn rảnh tay làm nhiều việc khác cùng lúc.

Podcast: Từ chỉ vài người nghe đến một ngành công nghiệp toàn cầu
Loa thông minh giúp việc nghe podcast tiện hơn. Ảnh: kvpr.org

Và công nghệ, công cụ hỗ trợ chuyện này thì sẵn có: từ hệ thống audio trên xe hơi đến sự phổ biến và đa dạng của loa bluetooth, loa thông minh như Alexa hay Google Home. 

Ngoài ra, sự phổ biến của smartphone và tai nghe ngày càng đỡ vướng víu vì không dây giúp podcast trở thành lựa chọn của nhiều người, nhất là cư dân đô thị cần giết thời gian trên đường đi đến sở làm bằng phương tiện công cộng, trong lúc đang tập gym hay dẫn thú cưng đi dạo.

Theo Hãng kiểm toán và tư vấn Deloitte, doanh thu từ podcast toàn cầu dự báo đạt trên 1 tỉ USD trong năm nay. Các tên tuổi lớn về podcast như Apple, Google và Spotify trong một năm trở lại đây đều có các chiến lược tăng cường tập trung vào lĩnh vực này.

Từ tháng 8 năm ngoái, Google bắt đầu hiển thị các tập podcast có liên quan với từ khóa trong kết quả tìm kiếm. Thay đổi của Google rất có ý nghĩa cho cả người nghe lẫn người phát hành podcast, bởi các nền tảng nghe podcast hiện tại không thể hỗ trợ tìm kiếm tốt như Google. Hành động hỗ trợ podcast cũng cho thấy gã khổng lồ Internet coi trọng vai trò của hình thức giải trí qua âm thanh này.

Vào cuối tháng 4, Spotify cũng công bố các số liệu đầy khả quan về podcast trên nền tảng của mình. Công ty cho biết họ đã phát triển danh mục podcast của mình tăng từ 700.000 lên hơn 1 triệu chương trình chỉ trong tháng 3-2020.

Theo Spotify, người nghe podcast hiện đang “tích cực hơn” và “nghe nhiều âm nhạc hơn”, đây có thể là lý do giúp lượng thuê bao và người nghe chung tăng trong quý 1. Ngoài ra, mức tiêu thụ podcast đã tăng lên ba chữ số vào quý 1-2020 so với cùng kỳ năm ngoái.

Nói như Deloitte, “im lặng có thể là vàng, nhưng chắc chắn nó không phải là điều thú vị nhất để… nghe trên đường đi làm, trong khi làm việc nhà hoặc tập thể dục”. Nội dung âm thanh sẽ “sống mãi” và podcast vẫn luôn có chỗ trong tai người dùng.

Những đặc điểm về thói quen của người nghe podcast có chút thay đổi trong đại dịch COVID-19 với các lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội, theo tác giả James Cook của tờ The Telegraph. James cho biết số người nghe podcast trong giai đoạn dịch bệnh toàn cầu đang diễn ra sụt giảm mạnh khoảng 30%, vì các hoạt động nói trên bị thay bằng việc “ở yên trong nhà”. Tuy nhiên, điều thú vị là số người sáng tạo nội dung muốn bắt đầu mở kênh podcast mới lại tăng đột biến, do lẽ ai cũng dư dả thời gian. Geraint John, người sáng lập Công ty podcast Move Digital, cho biết nhu cầu của khách hàng đang vượt quá sự mong đợi và khả năng cung ứng của hãng.
Đa số podcast được phát miễn phí, bù đắp bằng quảng cáo hoặc “thông điệp nhà tài trợ” chèn trong chương trình, hoặc nằm trong gói thuê bao của dịch vụ nghe nhạc trực tuyến như Spotify. Trong khi nhiều người lạc quan trước sự tăng trưởng khổng lồ của doanh thu quảng cáo, những người khác lo lắng rằng lợi nhuận có thể giết chết chất riêng vốn có của hình thức phát thanh podcast. Họ đặc biệt lo ngại rằng podcast có thể đi theo lối mòn của video trực tuyến với các quảng cáo chung chung, gây phiền nhiễu cho người nghe.

Podcast ở Việt Nam: Một thị trường hứa hẹn

Đã có những chương trình podcast thuần Việt và thể loại này cũng có một lượng khán giả nhất định ở Việt Nam. Tuổi Trẻ Cuối Tuần tìm gặp những người trong cuộc để thử phác họa bức tranh podcast thị trường được đánh giá nhiều tiềm năng này.

Mỗi ngày 40-60 phút di chuyển từ nhà đến chỗ làm và ngược lại mà chỉ nghe nhạc mãi cũng chán, Tuấn Hoàng muốn tìm cách gì đó có thể giúp vừa thư giãn vừa đỡ lãng phí khoảng thời gian nói trên. Tìm hiểu rồi biết đến podcast, Hoàng thử cài vào iPhone, rồi nhanh chóng trở thành fan của một loạt chương trình.

Vì sở thích cá nhân và nhờ có khả năng ngoại ngữ, Hoàng chọn nghe podcast về công nghệ của BBC và tạp chí Wired mỗi sáng, chiều về thì nghe các show kiến thức như Stuff You Should Know hay Ridiculous History. Mỗi hai lượt, không cần đọc sách báo hay lướt mạng mà vẫn nạp được bao nhiêu kiến thức.

Podcast ở Việt Nam: Một thị trường hứa hẹn
 

KHÁC GÌ SO VỚI RADIO?

Để hiểu sự khác nhau giữa radio và podcast, không gì hay hơn là hỏi người trong ngành phát thanh. Bà Nguyễn Thúy Hoa, trưởng ban hợp tác quốc tế Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), cho biết: “Điểm giống nhau là cả radio và podcast đều tạo ra nội dung bằng âm thanh, tập trung vào các chức năng thông tin, giáo dục hoặc giải trí cho người nghe. Tuy nhiên với radio, hoặc là chương trình phát sóng trực tiếp, hoặc có những phần được thu âm trước nhưng khi phát sóng thì sẽ phát liên tục trong một tổng thể. Trong khi đó, podcast thường được biên tập lại kỹ càng, gọn, không dư thừa, theo từng chủ đề nhằm vào đối tượng người 
nghe đích”.

Theo bà Hoa, khả năng tải xuống và nghe bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu và tua đi tua lại đoạn mà chúng ta muốn nghe chính là ưu thế của podcast so với phát thanh truyền thống.

Nhưng nếu thế thì có khác gì với các trang web cho nghe online chương trình radio (trực tiếp hoặc nghe lại)?

Trả lời câu hỏi này, anh Trần Bình, phó trưởng phòng nội dung số ban thời sự VOV, cho biết có thể hình dung podcast như mạng xã hội chuyên về âm thanh, giống như YouTube chuyên về video, Facebook đa phương tiện, Twitter nghiêng về chữ hay Flickr chuyên về ảnh.

“Các ứng dụng podcast có gần như đầy đủ các tính năng như thích, theo dõi, nhận xét… có thông báo khi có phần mới, đặc biệt có thể chọn tự tải về khi có phần mới, tự xóa khi nghe xong, cũng có thể nghe trực tiếp, nghe sau, online hoặc offline. So với website thông thường, rõ ràng nghe qua podcast sẽ tiện lợi hơn nhiều vì người nghe không phải tìm kiếm, chờ đợi, mất thời gian khi muốn nghe một chương trình phát thanh nào đó một khi đã subscribe (theo dõi)” – anh Bình giải thích.

Về mặt nội dung, theo bà Thúy Hoa, podcast và radio cũng khác nhau. Trong khi các đài phát thanh sản xuất các chương trình liên quan nhiều đến thời sự thì podcast làm về những nội dung thông tin có thể lưu trữ lâu dài mà vẫn không bị lạc hậu.

“Tầm ảnh hưởng của chương trình phát thanh truyền thống là số người nghe ngay lúc đó, tầm ảnh hưởng của chương trình podcast bao gồm cả lượng người nghe sau này” – bà Hoa nói.

Cũng theo bà Hoa, người làm podcast có thể tùy chọn định dạng, thời lượng và chủ đề của chương trình mà không bị ảnh hưởng bởi khuôn khổ thời lượng hay format của chương trình phát thanh. Chương trình podcast có thể dài 5 phút, 10 phút, 30 phút, mà cũng có thể là vài giờ…

Cơ bản nhất là người nghe chọn nghe theo chủ đề đó một cách chủ động, nghe vào lúc nào họ muốn. “Người làm podcast có thể thu hút những người nghe cùng đam mê một chủ đề mà mình tâm huyết. Do vậy, có thể nói podcast là các kênh phát thanh chuyên biệt” – bà Hoa 
nhận định.

SÂN CHƠI ĐA DẠNG

Vào các nền tảng nghe podcast phổ biến sẽ thấy xen lẫn các show nước ngoài là chương trình của Việt Nam, chẳng hạn Tâm sự kinh doanh, Sách nói, Đọc sách giùm bạn, Ta đi tây

Theo anh Trần Bình, các đài phát thanh hay công ty truyền thông lớn trên thế giới đều có hệ thống truyền tải thông tin qua podcast khá quy mô và đầy đủ. Các đơn vị này có lợi thế là không phải tốn gì thêm bởi nội dung âm thanh sẵn có. Nhưng điều đó không có nghĩa các cơ quan báo chí không thể nhảy vào làm podcast. Podcast của báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) là một ví dụ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Nhật – phó tổng biên tập VietnamPlus, tờ báo này làm podcast như một cách bám sát những xu thế mới của truyền thông thế giới. “Những cuốn cẩm nang báo chí mà TTXVN duy trì mua bản quyền phát hành trong vài năm trở lại đây cũng đều nhắc nhiều đến podcast” – ông Nhật nói.

Lợi thế để tham gia podcast là đa số các cơ quan báo chí đều đang làm truyền thông hội tụ, không còn phân biệt báo in, báo điện tử hay truyền hình nữa và nhiều đơn vị còn có mini studio, đều đặn phát các bản tin truyền hình.

“Từ một bản tin chữ, giờ các tòa soạn có thể biến nó thành các dạng thông tin khác như infographic, video… nên việc biến nó thành bản tin phát thanh không phải là điều khó khăn nhờ sự phát triển của công nghệ. Nhiều cơ quan báo chí nước ngoài cũng đều phát triển podcast nhờ việc tận dụng luôn phần đọc thuyết minh từ bản tin truyền hình” – ông Nhật chia sẻ.

Theo đại diện VietnamPlus, qua quan sát ở một số diễn đàn, cộng đồng nghe podcast ở Việt Nam không phải là hiếm. Nhiều diễn đàn học tiếng Anh đều chia sẻ kinh nghiệm nghe podcast để luyện kỹ năng nghe (các kênh phổ biến như Ted Talk, BBC News…).

Từ nghe tiếng Anh thì họ có thể chuyển qua nghe tiếng Việt, nhưng các kênh tin tức tiếng Việt vẫn là khoảng trống, ngoài podcast của VOV thì hầu như không có sự lựa chọn nào khác ngoài một số kênh của người Việt ở hải ngoại.

Đó cũng là lý do mà Tuấn Hoàng không subscribe bất kỳ show tiếng Việt nào vì không có chương trình phù hợp với mối quan tâm và sở thích của bạn 
trẻ này.

Nếu VietnamPlus làm podcast để lấp đầy khoảng trống podcast nội dung tiếng Việt trong nước thì ở chiều ngược lại, anh Trần Bình cho biết podcast là một phương thức rất hữu ích để VOV hay bất kỳ nhà phát hành nội dung nào hướng đến đối tượng là người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, hay người nước ngoài quan tâm đến Việt Nam.

TIN TƯỞNG TƯƠNG LAI

Trong một bài viết hồi tháng 1-2019, Công ty truyền thông EloQ Communications nhận định đang có sự gia tăng nhận biết về podcast ở Việt Nam và đây là thị trường tiềm năng cho loại hình này.

Waves, startup muốn xây dựng nền tảng podcast cho người Việt, cũng đánh giá thị trường nội dung âm thanh tại Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nhờ sự phổ biến của smartphone, tốc độ Internet cao, có hơn 50 triệu người Việt tiêu thụ nội dung số trên các mạng xã hội trung bình hai tiếng rưỡi mỗi ngày.

Podcast ở Việt Nam: Một thị trường hứa hẹn
Nhiều chương trình Việt Nam lọt top phổ biến trên Apple Podcasts. Ảnh chụp màn hình

“Quan trọng hơn hết là thói quen nghe nội dung âm thanh đã có sẵn khi người Việt rất thích nghe radio, dành rất nhiều thời gian để xem và nghe các chương trình trên YouTube” – Đỗ Bảo Sang, giám đốc kinh doanh tại Waves, chia sẻ.

Trong khi đó, anh Trần Bình cho rằng ở Việt Nam, podcast còn khá xa lạ và chưa được chú trọng phát triển, trong khi đây lại là xu thế tiếp cận thông tin trong cuộc sống hiện đại ở các nước phát triển, đặc biệt là các nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc…

Tuy nhiên, đại diện VOV vẫn lạc quan về tương lai khi “chắc chắn podcast sẽ là một hình thức “nghe” phổ biến trong thời gian tới với những người di chuyển bằng phương tiện cá nhân, công cộng… và khi các nhà sản xuất podcast phát triển hơn, các chương trình podcast Việt Nam nhiều hơn”.

Ông Hoàng Nhật cũng đánh giá có nhiều yếu tố giúp thay đổi thói quen để podcast phổ biến hơn ở Việt Nam. Ví dụ, các nền tảng phát thanh trực tuyến trên điện thoại di động như Spotify, Apple Podcasts đang tăng trưởng rất mạnh và các dòng ôtô mới đều đã trang bị hoặc hỗ trợ Apple Car Play, Android Auto, qua đó dần thay đổi thói quen của người nghe, chuyển từ phát thanh truyền thống sang phát thanh 
trực tuyến.

Và không chỉ smartphone hay máy tính, xu hướng sử dụng loa thông minh tăng cũng là một kênh giúp podcast đến gần người nghe hơn. “Vậy nên dù lượng người nghe podcast tại Việt Nam chưa cao nhưng chúng tôi vẫn cứ mạnh dạn thử nghiệm, vì có thử nghiệm thật nhiều mới chạm đến được thành công” – ông Nhật nhấn mạnh.

Anh Michael Tatarski (người Mỹ), nhà sáng lập và là một trong những người dẫn chính của Saigoneer Podcast, cho biết người nghe podcast ở Việt Nam có thể không bằng Mỹ, nhưng điều đó không có nghĩa người Việt không chuộng món ăn mới này.

Saigoneer, trang tin về Việt Nam bằng tiếng Anh nổi tiếng trong cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam, bắt đầu làm podcast từ năm 2017.

“Chúng tôi có nhiều bạn đọc trong nước nhưng cũng có rất nhiều người ở nước ngoài nên khi làm podcast, chúng tôi nghĩ người nghe sẽ phần lớn không sống ở Việt Nam – anh Tatarski nói – Giờ đây, sau hơn hai năm, tôi rất vui khi thấy đại đa số người nghe đến từ Việt Nam, điều đó rõ ràng cho thấy vẫn có nhu cầu nghe podcast ở đây”.

Tiếp tục so sánh thói quen của thính giả podcast ở Việt Nam và Mỹ, anh Tatarski cho biết sẽ có khác biệt vì ở Việt Nam không nhiều người dùng phương tiện công cộng, vốn là thời gian thích hợp để nghe podcast. Hiện đang sống ở Sài Gòn, anh Tatarski cũng “nhập gia tùy tục”, nghe podcast khi chạy xe máy và cả khi tập thể dục, nấu ăn… “Tôi thấy nhiều người đeo tai nghe khi đi trên đường nên hi vọng họ cũng đang nghe podcast” – anh nói.

Theo Michael Tatarski, do lẽ podcast đang phát triển ở Mỹ và châu Âu, “việc podcast tăng trưởng ở Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian”. “Mặc dù thị trường podcast ở Việt Nam còn nhỏ song khá đa dạng, xét về mặt thể loại và chủ đề của các chương trình podcast tiếng Việt” – anh kết luận.

Podcast hoàn toàn có thể trở thành sân chơi để mỗi cá nhân là một nhà sáng tạo nội dung (content creator) và tiếp cận lượng thính giả, người hâm mộ khắp mọi nơi, như cách họ làm với video phát trên YouTube và hình ảnh chia sẻ trên Instagram.

Podcast ở Việt Nam: Một thị trường hứa hẹn

Các nghệ sĩ trong một buổi thu âm podcast. Ảnh: Waves Những nền tảng trung gian như Waves (huy động thành công 1,2 triệu USD vòng tài trợ hạt giống hồi đầu năm) sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất podcast cá nhân và làm cuộc chơi sôi động hơn, nơi ai cũng có thể vừa là thính giả vừa là người sáng tạo nội dung, như ở các nước khác. Bảo Sang (Waves) chia sẻ: “Tôi nghĩ nội dung âm thanh là một sân chơi mới để mọi người chia sẻ quan điểm, suy nghĩ, thể hiện mình tốt hơn video, vì điểm đặc biệt của âm thanh giúp người nghe chỉ tập trung vào nội dung thay vì vào môi trường xung quanh (bị phân tâm vì hình ảnh trên video). Quá trình thu âm sản xuất nội dung âm thanh dễ dàng và đơn giản hơn làm video phải chuẩn bị chỗ quay, hoặc khi quay phải chú ý biểu cảm khuôn mặt, cũng như viết blog tốn sức và tốc độ chậm hơn thu âm”.
Không có nhiều số liệu công khai liên quan đến việc sản xuất và nghe podcast ở Việt Nam. Các nền tảng như Apple Podcasts không công bố lượt theo dõi của các show cũng như lượt nghe của mỗi tập. Con số công khai thường là đánh giá (rating) và nhận xét (review) của người dùng. Spotify còn chưa có cả mục đánh giá. Podcast Việt khá phổ biến Tâm sự kinh doanh có 1.300 lượt đánh giá trên Apple Podcasts với điểm trung bình 5/5. Anh Trần Bình tiết lộ các podcast chính của VOV như VOV – Chương trình thời sự đạt trên 356.000 lượt nghe (trung bình 370 lượt/chương trình), VOV – Kinh tế tài chính, 240.000 lượt (270 lượt/chương trình). Waves cho biết có hơn 30 chương trình tự sản xuất, hợp tác với hơn 100 nhà sáng tạo nội dung.

TRƯỜNG SƠN – HIẾU THẢO – Tuổi Trẻ Cuối Tuần


Podcast

noun [ C ] uk /ˈpɒd.kɑːst/ us /ˈpɑːd.kæst/ a radioprogramme that is stored in a digitalform that you can download from the internet and play on a computer or on an MP3player

podcast | Từ điển Anh Mỹ

podcastnoun [ C ] us /ˈpɑdˌkæst/ a broadcast that is placed on the Internet for anyone who wants to listen to it or watch it: Some radiostations already are postingtheirtalkshows on websites to reach podcast audiences.

podcasting

noun [ U ] us /ˈpɑdˌkæs·tɪŋ/ Podcasting represents the next wave of do-it-yourself peer-to-peer broadcasting. (Định nghĩa của podcast từ Từ điển Học thuật Cambridge © Cambridge University Press)

podcast | Tiếng Anh Thương Mại

podcast

noun [ C ]   INTERNET, IT, COMMUNICATIONS uk /ˈpɒdkɑːst/ us /ˈpɒdkæst/ a recordedprogramme that can be downloaded from the internet and listened to on an MP3player : Remember you can download the weekly Business News as a podcast. By sellingadvertising on his podcasts, he said he makes more money than most authors get for an averagebookadvance.

verb [ I or T ]   INTERNET, IT, COMMUNICATIONS uk /ˈpɒdkɑːst/ us /ˈpɒdkæst/ to record something as a podcast: Of course, normaltalkradioshows can also be podcast. They have their own websites where they can blog and podcast.

Nguồn: https://dictionary.cambridge.org/vi/dictionary/english/podcast

One thought on “Podcast và Âm thanh trực tuyến Việt Nam

Thank you so much