[Covid-19] Theo dõi virus corona: Big data thách thức quyền riêng tư


Nhu cầu thu thập thông tin từ điện thoại thông minh để chống dịch bệnh của các chính phủ đang làm dấy lên lo ngại về phạm vi giám sát của nhà nước đối với công dân.

nguoidentubinhduong.com

Năm 2007, khi Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra sáng kiến để loại trừ bệnh sốt rét ở Zanzibar, họ đã chuyển sang dùng một nguồn tư liệu không theo cách thông thường để theo dõi sự lây lan của căn bệnh giữa hòn đảo này và lục địa châu Phi: điện thoại di động được bán bởi các nhà kinh doanh viễn thông ở Tanzania, bao gồm cả Vodafone, một nhà mạng của Anh.

Làm việc cùng với các nhà nghiên cứu tại trường đại học Southampton, Vodafone bắt đầu tổng hợp các bộ dữ liệu định vị từ điện thoại di động ở những khu vực có trường hợp bệnh đã được ghi nhận.

Bản đồ vạch ra cách các cư dân di chuyển giữa các địa điểm đã chứng minh được giá trị trong việc theo dõi và ứng phó với dịch bệnh. Dự án Zanzibar đã được nhân rộng trên khắp lục địa để theo dõi các căn bệnh chết người khác, bao gồm cả Ebola ở phía tây châu Phi.

“Bệnh tật không thèm để tâm tới khía cạnh biên giới quốc gia,” Andy Tatem, một nhà dịch tễ học tại Southampton, người đã làm việc với Vodafone ở Châu Phi cho hay. “Hiểu biết về cách bệnh và mầm bệnh bắt nguồn và lây lan qua những quần thể dân cư như thế nào bằng cách sử dụng dữ liệu điện thoại di động là rất quan trọng”.

nguoidentubinhduong.com
Thierry Breton, Ủy viên Châu Âu về thị trường internet kêu gọi các nhà mạng cung cấp số liệu tổng hợp về định vị người dùng, song khẳng định chắc chắn không thể có chuyện theo dõi từng cá nhân. Ảnh: EPA-EFE

Với phần lớn châu Âu đang bị tê liệt do đại dịch Covid-19, các chính trị gia muốn các nhà khai thác dịch vụ viễn thông cung cấp dữ liệu tương tự từ smartphone. Thierry Breton, cựu Giám đốc điều hành của France Telecom, người bây giờ là Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường internet, đã kêu gọi các nhà mạng bàn giao dữ liệu định vị tổng hợp để theo dõi cách thức lây lan của virus và xác định những nơi cần giúp đỡ khẩn thiết nhất.

Cả các chính trị gia và cả ngành công nghiệp viễn thông đều nhấn mạnh rằng các bộ dữ liệu sẽ được “ẩn danh”, có nghĩa là nhận dạng cá nhân khách hàng sẽ bị loại bỏ. Ông Breton nói với Financial Times: “Không bao giờ có chuyện chúng tôi sẽ theo dõi các cá nhân. Điều đó hoàn toàn không đúng trong trường hợp này. Chúng tôi đang nói về dữ liệu tổng hợp đầy đủ, hoàn toàn ẩn danh để dự đoán sự phát triển của đại dịch”.

Nhưng việc sử dụng dữ liệu đó để theo dõi virus đã gây ra lo ngại về mức độ ngày càng tăng, bao gồm các câu hỏi về cách những dữ liệu này có thể được sử dụng khi khủng hoảng kết thúc và liệu các bộ dữ liệu như vậy có thực sự ẩn danh hay không.

nguoidentubinhduong.com
Việc theo dõi xu hướng di chuyển của người dân đã cho thấy hiệu quả trong việc chống dịch, điển hình là chiến dịch chống ebola ở Uganda. Ảnh: Reuters

Cuộc tranh luận về việc sử dụng các bộ dữ liệu định vị có thể là tiền đề cho những cuộc thảo luận rộng lớn hơn về tự do dân sự và giám sát ở châu Âu và Mỹ, khi các chính phủ đưa ra kế hoạch dỡ bỏ ít nhất một phần lệnh phong toả và cách ly.

Các chiến lược mở cửa trở lại nền kinh tế trước khi vắc-xin được phát triển có thể liên quan đến việc giám sát sự tiếp xúc và các đầu mối liên hệ của những người mới nhiễm bệnh. Điều này sẽ đặt ra câu hỏi rằng người dân trong xã hội sẽ chấp nhận sự cắt xén và tước đi quyền riêng tư ở mức độ nào.

Ở Hàn Quốc, nơi được coi là chuẩn mực về cách kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, chính quyền có thể yêu cầu các công ty viễn thông bàn giao dữ liệu điện thoại di động của những người được xác nhận nhiễm bệnh để theo dõi vị trí của họ. Dữ liệu đã cho phép triển khai nhanh chóng một hệ thống thông báo cảnh báo người Hàn Quốc về sự di chuyển của tất cả những người có khả năng truyền nhiễm trong khu phố hoặc tòa nhà của họ.

Trung Quốc và Israel cũng đã sử dụng dữ liệu viễn thông cá nhân để theo dõi bệnh nhân nhiễm virus và sự giao thiệp của họ. Chính phủ trên khắp thế giới đang tạo ra các ứng dụng để thu thập thêm dữ liệu cá nhân, chẳng hạn như ai là người bị bệnh và ai là người mà họ đã tiếp xúc.

Ngay cả Quy định bảo vệ dữ liệu chung của EU được thông qua vào năm 2018, cũng có điều khoản cho phép ngoại lệ trong các trường hợp vì lợi ích công cộng.

Khám phá dữ liệu

nguoidentubinhduong.com
Ảnh: AP

0,8-1 triệu

Số người được phát hiện di chuyển trong và ngoài Milan khi Italia đang trong tuần đầu tiên áp dụng lệnh phong toả.

80%

Tỷ lệ thời gian người Bỉ sinh hoạt ở trong khu vực gần nhà khi các biện pháp giới nghiêm bắt đầu.

99,98%

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, 99,98% cá nhân có thể được xác định lại với 15 đặc điểm nhân khẩu học, ngay cả khi dữ liệu của họ được ẩn danh.

Vittorio Colao, cựu Giám đốc điều hành Vodafone, nay là tại General Atlantic, nói rằng mọi người nên sẵn sàng cho phép sử dụng dữ liệu “gần-như-là ẩn danh” của các dịch vụ y tế, chẳng hạn như Dịch vụ y tế quốc gia của Anh NHS, để ứng phó với đại dịch. Vốn xuất thân từ miền Bắc Italy, ông nói rằng công dân phải hiểu sự cần thiết và phải tin tưởng các cơ quan chức năng trong việc xử lý dữ liệu của họ.

“Đây không phải là vấn đề thu thập thông tin bí mật hay do thám mọi người mãi mãi mà là việc cứu mạng người trong lúc này đòi hỏi các quy tắc tạm thời như vậy,” ông nói. Chúng ta tin tưởng Uber biết hết mọi nơi chúng ta đi và đến, chúng ta tin tưởng Gmail với mọi thứ chúng ta viết. Nếu chúng ta không tin tưởng NHS với dữ liệu sức khỏe của chúng ta, vậy thì chúng ta tin tưởng ai?”

Vincent Keunen, người sáng lập của app phát triển ứng dụng Andaman7 tại Bỉ, người làm việc theo cách chia sẻ an toàn dữ liệu sức khỏe, cho biết công dân có mối quan tâm chính đáng về khối lượng dữ liệu khổng lồ được sử dụng để theo dõi họ riêng lẻ. Nhưng anh cũng nói cân bằng giữa việc sử dụng công nghệ để giúp giải quyết khủng hoảng sức khỏe và bảo vệ sự riêng tư là một khó khăn nan giải.

“Việc sử dụng công nghệ nên kết thúc ngay khi sức khỏe của người dân được đảm bảo. Chúng ta phải cảnh giác và thận trọng”, anh nói. “Nếu bạn làm quá khích tới cực đoan, bạn sẽ có sự riêng tư ở mức tột bậc, nhưng sau đó bạn chết và việc sở hữu quyền riêng tư trở nên vô dụng. Cần phải rất nhạy cảm để đạt được mức cân bằng đó”.

nguoidentubinhduong.com
Vittorio Colao, CEO tại General Atlantic, nói rằng mọi người nên sẵn sàng cho phép sử dụng dữ liệu “gần-như-là ẩn danh” của các dịch vụ y tế. Ảnh: EPA

Việc sử dụng dữ liệu định vị để theo dõi dịch bệnh đã được áp dụng ở Italia, Tây Ban Nha, Na Uy và Bỉ, với Anh, Bồ Đào Nha và Hy Lạp sẽ sớm tiếp bước.

Ở các thành phố như Madrid và Milan, các nhà khai thác viễn thông đã tạo ra các bản đồ nhiệt cho thấy các hạn chế trong sự di chuyển đang hoạt động như thế nào và ảnh hưởng của sự hiện diện của cảnh sát trên đường phố đối với các phản ứng đối phó.

Các công ty viễn thông ở Tây Ban Nha đã có thể chỉ ra rằng sự di chuyển của mọi người trong một thành phố đã giảm 90% trong tuần đầu tiên phong toả và thêm 60% còn lại trong tuần thứ hai. Trong khi ở Italia, việc phong toả chủ yếu đã bị phớt lờ trong tuần đầu tiên, với khoảng 800.000 đến 1 triệu người vẫn đến và đi khỏi Milan.

Tại Bỉ, dữ liệu cho thấy các chuyến đi đường dài hơn 40km đã giảm 95% sau khi các biện pháp cách ly đã được áp dụng. Người Bỉ đang dành 80% thời gian ở xung quanh nhà của họ, với tính di động giảm 54%. Các dữ liệu có thể hiển thị nếu một số lượng lớn người dân trong thành phố đã bỏ trốn tới những ngôi nhà thứ hai nằm ở nơi khác của họ, như là trường hợp ở Pháp.

Những hiểu biết mà các công ty viễn thông có thể rút ra từ các bộ dữ liệu này được xây dựng dựa trên kinh nghiệm làm việc với các nhà dịch tễ học để theo dõi các bệnh truyền nhiễm ở các nước đang phát triển. Telenor, nhà mạng Na Uy, đã tham gia vào các dự án big data để dự đoán sự lây lan của sốt xuất huyết ở Pakistan và sốt rét ở Bangladesh. Kenth Engo-Monsen, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Telenor, nói rằng nó có thể cho thấy rằng sự di chuyển đi lại giữa các thành phố Na Uy đã giảm 65% sau khi các biện pháp hạn chế được áp dụng.

nguoidentubinhduong.com
Tại một số thành phố như Madrid, bản đồ nhiệt được các hãng viễn thông xây dựng cho thấy chính sách hạn chế di chuyển có hiệu quả không. Ảnh: Reuters

“Hiểu biết về mô hình ghi lại hành trình của một bộ phận dân số là rất quan trọng để nắm bắt cách dịch bệnh lây lan khắp cả nước”, anh nói.

Telefónica, hãng viễn thông quốc gia Tây Ban Nha sở hữu các mạng lưới trên khắp châu Mỹ Latinh, đã làm việc và phát triển chuyên môn với các công ty như Facebook để sử dụng dữ liệu để đối phó thiên tai như động đất. Họ cũng đã làm việc với UNICEF ​​và trường đại học Notre-Dame năm 2017 để cải thiện các mô hình dịch tễ học giúp dự đoán sự lây lan của virus Zika ở Colombia.

Giáo sư Tatem lấy các khu vực ven biển ở Namibia như một ví dụ về nơi mà bản đồ nhiệt trình bày chi tiết sự di chuyển vào các khu vực bị nhiễm bệnh nặng, có thể được sử dụng để ưu tiên các khu vực khác nơi giường ngủ lưới và thuốc trừ sâu cần được điều động, bố trí.

Vodafone có một nhà nghiên cứu được tài trợ bởi Quỹ Bill & Melinda Gates trong nhóm dữ liệu của mình tại trụ sở công ty của London, để làm việc với các tập dữ liệu cung cấp cái nhìn sâu sắc cho các học giả theo dõi một loạt các loại dịch bệnh.

Nick Read, Giám đốc điều hành của Vodafone, cho biết nhóm đã cung cấp những hiểu biết vô giá. “Chúng tôi đã thấy làm thế nào dữ liệu tổng hợp có thể kiểm tra sự lây lan của dịch bệnh ở châu Phi. Ngay bây giờ, chúng tôi cũng đang sử dụng những hiểu biết tương tự để chống lại sự lây lan của Covid-19 ở Châu Âu”, anh ta nói.

nguoidentubinhduong.com
covid-19 – twitter

Các công ty viễn thông châu Âu vẫn kiên quyết rằng các thông tin có được đã được cung cấp cho các chính phủ một cách ẩn danh và tổng hợp. Điều đó có nghĩa là họ không thể truy tìm được đến bất kỳ cá nhân hoặc số điện thoại cụ thể. Quá trình xoá bỏ sạch dữ liệu thường mất từ ​​24 đến 48 giờ trước khi sẵn sàng có hiệu lực và có thể dùng được trong các tập dữ liệu của chính phủ sau đó.

Các công ty viễn thông khẳng định rằng dữ liệu về người dùng ít có tác dụng để phân tích big data về lây lan: cách tốt nhất để theo dõi sự lây lan của đại dịch là sử dụng các bản đồ nhiệt được xây dựng trên dữ liệu của nhiều điện thoại, nếu được bao phủ thêm bằng dữ liệu y tế, có thể dự đoán virus sẽ lây lan như thế nào và xác định xem các biện pháp của chính phủ có hoạt động hay không.

Các công ty viễn thông nói rằng họ thất vọng với sự nhầm lẫn giữa các loại dữ liệu nhóm họ đang cung cấp và dữ liệu cá nhân có thể được thu thập từ các ứng dụng trên điện thoại di động. Ở châu Âu, thông tin cá nhân, chẳng hạn như ai đó bị nhiễm virus corona và đã chia sẻ rằng trên mạng xã hội hoặc tìm kiếm trên Google về các triệu chứng, không thể được truy cập một cách hợp pháp.

Tuy nhiên, sự đảm bảo từ các nhà chức trách và quan chức ngành viễn thông không có mấy tác dụng xoa dịu nỗi lo lắng rằng quyền riêng tư có thể bị gạt sang một bên khi các chính phủ tìm cách sử dụng các công cụ giám sát hàng loạt trong nỗ lực để chống lại virus. Những lo ngại về sử dụng dữ liệu cho mục đích chính trị đã trở nên trầm trọng hơn bởi thực tế là Ủy ban châu Âu muốn các công ty viễn thông cung cấp dữ liệu tổng hợp thực tế, không chỉ truy cập vào những khám phá, tiết lộ từ những thông tin đó.

Chẳng hạn, Latvia đã thực hiện quyền được miễn trừ một số nghĩa vụ trong Công ước châu Âu về quyền con người, đạo luật cấp và bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cho công dân. Slovakia đã thông qua một đạo luật vào tháng trước để sử dụng dữ liệu viễn thông trong việc đảm bảo người dân tuân thủ luật kiểm dịch.

Một số nhà nghiên cứu không bị thuyết phục bởi tuyên bố rằng các bộ dữ liệu đó là hoàn toàn vô danh. Một nghiên cứu năm 2019 của các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia Luân Đôn và Đại học Công giáo Louvain tại Bỉ tiết lộ có một cách để xác định lại 99,98% cá nhân chỉ có 15 đặc điểm nhân khẩu học bằng cách sử dụng dữ liệu định vị. Các nghiên cứu khác đã đi đến kết luận tương tự rằng các cá nhân có thể được xác định dựa trên các tập dữ liệu tổng hợp một cách dễ dàng. Đảng Vox cực hữu của Tây Ban Nha đã kêu gọi mọi người tắt dữ liệu di động của họ, phản ánh sự tức giận đối với sự xâm nhập của chính phủ vào quyền riêng tư.

nguoidentubinhduong.com
Nhân viên công vụ tại Trung Quốc đang kiểm tra kết quả từ một xe đo thân nhiệt đặt tại Viện Công nghệ Bắc Kinh. Thiết bị này được dụng để kiểm tra thân nhiệt của người ra vào khu ký túc xá. Ảnh: Xinhua

Nhà hoạt động bảo mật dữ liệu của Áo Max Schrems cảnh báo công dân nên cẩn thận với việc họ đang cho đi quyền bảo mật cá nhân tại thời điểm hoảng loạn toàn cầu. “Tôi lo lắng rằng chúng ta sẽ chấp nhận giám sát nhà nước trong cuộc khủng hoảng sức khỏe nhưng sau đó sẽ phải mất nhiều năm để ra tòa để huỷ bỏ nó đi”.

Tuy nhiên, ông nói có những ứng dụng giúp công dân chọn lựa dữ liệu họ muốn chia sẻ, dẫn đến việc theo dõi virus hiệu quả hơn. “Nếu mọi người có thể tự quyết định họ muốn tham gia hay không, thì chúng ta sẽ có các lựa chọn thay thế thân thiện với quyền riêng tư. Đó là một yếu tố đột biến làm thay đổi cuộc chơi”.

Một số nhà phân tích lo lắng rằng các bộ dữ liệu có thể được đưa vào sử dụng phục vụ các mục đích khác trong tương lai. “Họ cần phải có sự trấn an từ các chính phủ [rằng dữ liệu] không bị tái sử dụng. Điều cuối cùng họ muốn là thức dậy sau khi Covid-19 kết thúc và thấy rằng dữ liệu vẫn đang được sử dụng cho các mục đích khác. Cảnh sát đang làm gì với nó?”, một giám đốc điều hành ngành viễn thông cho biết. “Cần có một điều khoản hết hiệu lực”.

Ngành công nghiệp viễn thông đã phải tìm cách bước đi trên một ranh rới rất mong manh hoặc phải đối mặt với sự trừng phạt trong việc sử dụng dữ liệu. Tại Mỹ, Ủy ban Truyền thông Liên bang tháng trước đã phạt bốn công ty lớn nhất trong ngành tổng cộng 208 triệu đôla vì vụ việc bán dữ liệu cho bên thứ ba chưa từng có trong lịch sử mà không có sự đồng ý rõ ràng của người dùng.

Francisco Montalvo, Giám đốc dữ liệu của Telefónica, lập luận rằng các chính phủ cần phải kết hợp nhu cầu sử dụng dữ liệu mà không gây nguy hiểm cho quyền riêng tư. “Chính phủ và các cơ quan quản lý nên tìm kiếm sự cân bằng hợp lý giữa quyền riêng tư và lợi ích công cộng”, ông nói.

nguoidentubinhduong.com
Nhân viên y tế đo thân nhiệt của cư dân tại một khu chung cư ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: AFP/Getty Images

Nhiều vấn đề trong số này xung đột trực tiếp với các ứng dụng sức khoẻ đang được phổ biển và sử dụng rộng rãi ở châu Á và đang dần được giới thiệu ở châu Âu để theo dõi tình trạng sức khỏe cá nhân.

Viện Robert Robertutut (Đức) đã giới thiệu một ứng dụng, được phát triển với công ty y tế kỹ thuật số Thryve ở Berlin, có thể liên kết với các vòng tay điện tử và đồng hồ thông minh. Họ nói ứng dụng này sẽ giúp lập bản đồ sự lây lan của Covid-19 bằng cách theo dõi dữ liệu ẩn danh, tìm kiếm các dấu hiệu của nhiễm trùng bao gồm nhịp tim, mức độ ngủ và hoạt động của người dùng, những thứ xu hướng sinh hoạt thay đổi đáng kể trong trường hợp cá nhân có các vấn đề hô hấp cấp tính.

Dữ liệu được rút ra từ các ứng dụng như vậy có thể theo dõi cả những người bệnh và những người họ đã tiếp xúc thông qua các phương pháp theo dõi giao tiếp để tạo ra một tập dữ liệu sâu hơn nhiều cho chính phủ.

Ở Singapore, chính phủ đã mời gọi người dân lựa chọn tham gia hệ thống của mình và các chính phủ châu Âu bao gồm Đức đã nhấn mạnh rằng việc sử dụng các ứng dụng theo dõi và truy tìm phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.

“Đây không phải Hàn Quốc hay Trung Quốc hoặc Israel – nơi họ có quyền theo dõi bạn, biết bạn có bệnh và biết những người bạn biết. Chúng ta không phải ở những nơi đó”, Enrique Medina, Giám đốc về chính sách của Telefónica, đang làm việc với chính phủ Tây Ban Nha cho biết.

Ủy ban Châu Âu đang nghiên cứu các hướng dẫn về việc sử dụng các ứng dụng theo dõi. Vera Jourova, Phó Chủ tịch về các giá trị và tính minh bạch, nói rằng công dân phải được phép đưa ra sự ưng thuận.

“Không phải là một mục đích ẩn giấu hay một điều gì đó mà tôi, với tư cách là một công dân, không thể biết”, cô nói. “Điều quan trọng là những người tham gia vào một hệ thống như vậy biết họ đang làm gì.”

Dưới áp lực của các nhà hoạt động vì quyền riêng tư, cộng đồng khoa học đã tạo ra một cơ quan được gọi là Liên minh bảo vệ quyền riêng tư của châu Âu, đặt trụ sở tại Thụy Sĩ, dẫn đầu bởi Viện Đức Fraunhofer Heinrich Hertz, để tạo ra các tiêu chuẩn cho các ứng dụng đang được phát triển tuân thủ theo luật pháp châu Âu về quyền riêng tư.

Hiệp hội GSM, cơ quan thương mại viễn thông di động, cũng đã xuất bản một kế hoạch chi tiết như là một cẩm nang hướng dẫn thực hành một cách tốt nhất trong xử lý dữ liệu thông qua các ứng dụng.

Juan Rio, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn viễn thông Delta Partners, cho biết sẽ luôn có sự đánh đổi giữa lợi ích chung và quyền tự do dân sự trong thời gian khủng hoảng, nhưng nghi ngờ về sự hiệu quả khi các chính phủ buộc công dân sử dụng các ứng dụng này, vì họ có thể nổi loạn và ngừng sử dụng điện thoại của họ.

“Nếu thực hiện một cách áp đặt, bạn sẽ gây ảnh hưởng tới thí nghiệm này. Bạn thay đổi hành vi của mọi người và khi đó bạn sẽ không thể tin vào kết quả bạn có”, anh nói.

Chu Quang – Theo NDH

(theo Financial Times)

4 thoughts on “[Covid-19] Theo dõi virus corona: Big data thách thức quyền riêng tư

Thank you so much