Con đường Võ Đạo và Kinh Doanh của anh Mai Hữu Tín


Võ đạo trong kinh doanh

Vovinam đã giúp Mai Hữu Tín chấp nhận mọi thách thức, sẵn sàng đối đầu mọi gian khó, không nản lòng khi thất bại, hiểu sự nhỏ bé của bản thân trước cộng đồng và biết tôn trọng mọi cá nhân khác.

Được ví như “võ sỹ trên đấu trường kinh tế”, Mai Hữu Tín cùng những người bạn đã đưa U&I sau 20 năm trở thành tập đoàn đa ngành với hơn 30 công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, giao nhận vận tải, dịch vụ tài chính, bán lẻ, nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu. 

Mỗi lần gặp Mai Hữu Tín đều để lại một cảm xúc thật sâu đậm trong tôi. Giọng nói ấm áp, nhu hòa, nhưng ẩn chứa một sức mạnh nội tâm từ ái đầy uy lực. Dáng đi vững chãi, nhẹ nhàng, và đặc biệt là nụ cười tủm tỉm lúc nào cũng ngời lên trong mắt. Anh có một cách trò chuyện đầy thuyết phục, luôn biến những điều phức tạp trở nên giản dị nhất nhờ sự tích tụ của kiến thức tự bồi đắp mỗi ngày, những trải nghiệm xương máu trong kinh doanh và sự thấu suốt của một người hành thiền. Mấy tháng cuối năm, thấy anh xuất hiện cùng cây nạng gỗ, dáng đi tập tễnh, nhiều người tỏ ra ái ngại. 

Nhưng không. Dường như bệnh tật chẳng mảy may gì đến con người anh. Anh vẫn có mặt ở những nơi cần anh nhất. Đó là cuộc chia sẻ thấu tình đạt lý với những doanh nhân trẻ và giới khởi nghiệp trong hội thảo “Vietnam Business Outlook 2019” do TheLEADER tổ chức. Khi anh cất tiếng, dốc toàn bộ trái tim và kinh nghiệm của mình cho bè bạn doanh nhân, dường như trong anh tỏa ra một thứ ánh sáng khác. Ánh sáng của sự cho đi…

Đọc bài phát biểu của anh trong vai trò Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới về lịch sử Vovinam nhân lễ kỷ niệm 80 năm của môn phái này, mới thật sự thấu hiểu lý tưởng mà anh theo đuổi, đó là con đường cách mạng tâm thân – một cách rèn luyện và tu dưỡng bản thân để giúp chính mình và những thanh niên khác có thân thể khỏe mạnh, tâm hồn cao thượng, vươn đến lối sống tốt đẹp đã được trao truyền từ nhiều đời nhiều kiếp của các vị sáng tổ môn phái Vovinam, một tài sản vô giá của văn hóa và sức mạnh Việt Nam.

Vovinam với một hệ thống kỹ thuật mang tính dân tộc, khoa học, thực dụng, sáng tạo, cùng triết lý nhân sinh thượng võ và tấm lòng xả kỷ, là tài sản vô giá mà người Việt có thể tự hào cùng với Phở và Áo dài.

Lần đầu tiên, Chủ tịch U&I Group đã trải lòng về mối quan hệ tương hỗ đầy thú vị giữa võ đạo và kinh doanh, như một “võ đường” mà anh muốn lan truyền bằng chính những nỗ lực cụ thể, hàng ngày của mình và đồng đội, để đóng góp vào phong trào võ thuật Việt Nam và thế giới.

Trong ký ức người Việt, triết lý nhân sinh thượng võ và tấm lòng xả kỷ của Vovinam đã trở thành những tài sản vô giá, gắn với những thời kỳ phát triển rực rỡ nào của người Việt thưa anh?

Anh Mai Hữu Tín: Theo tôi thì thời nào cũng có vì cha ông ta đã dựng nước và giữ nước với những giá trị đó. Còn riêng với tôi thì thời Trần là thời kỳ mà những giá trị này được biểu hiện rõ nhất. Câu chuyện Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tắm cho Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải để xóa bỏ hiềm khích giữa hai người là một ví dụ thật đẹp.

Nhưng những thăng trầm của thời cuộc và lịch sử đã làm tổn thương không nhỏ đến những giá trị này như thế nào theo anh?

Anh Mai Hữu Tín: Thời cuộc và lịch sử lúc nào chẳng thăng trầm thưa chị? Tôi cho rằng triết lý giáo dục mới là yếu tố chính dẫn đến các thay đổi trong nhận thức, và từ đó là tới hành vi của con người trong một thời kỳ nhất định nào đó.

Đặt ra một cuộc cách mạng Tâm Thân, tinh thần của Vovinam trở nên cần thiết như thế nào với con người hiện đại, để tu dưỡng bản thân và vươn đến cuộc sống tốt đẹp hơn?

Anh Mai Hữu Tín: Một con người toàn diện, theo tôi, luôn cần đẹp về cả Thân và Tâm. Thiếu đi mặt nào cũng làm cho con người khó đạt được các hoài bão của mình. Đẹp về Thân ở đây cần hiểu là Khỏe và Đủ Sức Chịu Đựng Gian Khó.

Nhìn lại những nỗ lực của sáng tổ và các bậc tiền bối đi trước, anh học được điều gì quý nhất, để tiếp thêm động lực cho mình trong việc quảng bá sản phẩm văn hóa nổi trội này của người Việt ra thế giới?

Anh Mai Hữu Tín: Sáng tổ Vovinam Nguyễn Lộc khát khao tạo dựng một võ phái độc đáo của người Việt có thể cạnh tranh với các võ phái lớn khác của thế giới và tạo ra những con người toàn diện phụng sự đất nước. Các bậc tiền bối sau đó, cụ thể là Chưởng môn Lê Sáng, còn tính đến việc biến Việt Võ Đạo – tức triết lý võ thuật của người Việt – thành Nhân Võ Đạo, tức triết lý võ thuật của cả nhân loại.

Những cố gắng đó đều rất to lớn, rất thiêng liêng với từng thân phận của mỗi con người, bao gồm cả các vị ấy. Nhưng họ đều đã dành cả đời mình để tạo dựng nền tảng cho những ý tưởng vĩ đại như vậy. Họ là những người Việt yêu nước và khẳng định lòng yêu nước ấy bằng khả năng quy tụ và cống hiến vô cùng lớn lao. Tôi luôn cảm thấy nhỏ bé trước những năng lực ấy. Và sẽ thật hổ thẹn nếu không góp phần mình vào một sự nghiệp cao quí như vậy.

VVF sẽ hiện thực hóa việc xây dựng Học viện Vovinam toàn cầu như thế nào thưa anh?

Anh Mai Hữu Tín: Mô hình tốt nhất cho một học viện võ thuật như vậy đã có và là sự hợp tác công tư của chính quyền Hàn Quốc và Liên đoàn Taekwondo của họ (Học viện Kukkiwon). Chính nhờ vậy mà Taekwondo đã trở thành võ phái số một thế giới hiện nay và góp phần tạo ra giá trị vô cùng to lớn cho văn hóa, du lịch, hình ảnh của đất nước Hàn Quốc.

Chúng tôi đã có đề xuất với các cơ quan chức năng của Việt Nam. Hiểu được khó khăn hiện tại của đất nước nên chúng tôi không đặt vấn đề phải được như Hàn Quốc vì Học viện Kukkiwon do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ xây dựng. Chúng tôi chỉ xin hợp tác, theo đó Liên đoàn Vovinam Việt Nam sẽ vận động tài trợ hoàn toàn cho việc xây dựng và vận hành. Chúng tôi chỉ xin nhà nước bố trí địa điểm (đất) phù hợp.

Vì sao anh quyết định nhận trách nhiệm nặng nề nhất trong VVF? Dù công việc kinh doanh vô cùng bận rộn?

Anh Mai Hữu Tín: Tôi đã từ chối việc này vài lần vì sợ không đảm đương nổi. Nhưng cuối cùng thì tôi nhận trách nhiệm vì xem đây là một cơ hội lớn đóng góp cho đất nước. Có rất nhiều việc xã hội mà một doanh nhân có thể làm. Việc càng khó thì càng đòi hỏi phải cố gắng và tập trung. Do vậy mà hiện tại tôi gần như không tham gia vào bất kỳ việc xã hội nào khác ngoài Vovinam. Và cũng do vậy mà đã làm phiền lòng nhiều người. Nhưng tôi tin rằng tôi chỉ có thể làm tốt trách nhiệm này khi tập trung tối đa vào đó.

Anh đến với Vovinam từ khi nào? Người thầy lớn nhất của anh trong Vovinam là ai? Anh đã học được điều gì từ người thầy ấy?

Anh Mai Hữu Tín: Từ năm 1984. Người thầy Vovinam đầu tiên của tôi là thầy Đoàn Văn Viễn ở Bình Dương. Nhưng tôi có rất nhiều thầy khác trong môn phái mà tôi đã và đang học theo. Họ là những võ sư cao niên sống ở những vùng xa xôi nhất của Việt Nam hoặc ở các châu lục khác vẫn miệt mài truyền thụ cho các thế hệ sau miễn phí, là những huấn luyện viên xem Vovinam là sứ mệnh sống dù tuổi còn rất trẻ và có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp khác. Tất cả họ đều gieo vào tôi thêm nhiều niềm tin với con đường đã chọn này.

Tuổi thơ và tuổi trẻ của anh đã thực sự thay đổi thế nào từ khi tiếp xúc với Vovinam? Đó có phải là cuộc cách mạng Tâm Thân với riêng anh?

Anh Mai Hữu Tín: Tôi nhận ra rằng phải hoàn thiện mình cả về võ thuật và võ đạo, tức cả Thân và Tâm, và con đường đó chưa bao giờ có điểm đích.

Ngược lại, võ thuật đã giúp anh như thế nào trong điều hành kinh doanh? Anh truyền tải tinh thần thượng võ và tấm lòng xả kỷ cho các lãnh đạo công ty của mình như thế nào, để tạo nên phong cách lãnh đạo đặc trưng cho văn hóa U&I, và tạo nên những bước ngoặt mới cho U&I trong từng lĩnh vực?

Anh Mai Hữu Tín: Tôi cho rằng Vovinam – cùng với những trải nghiệm quí báu khác của tuổi thơ và việc học tập không ngừng – đã giúp tôi chấp nhận mọi thách thức, sẵn sàng đối đầu với mọi gian khó, không nản lòng khi thất bại, hiểu sự nhỏ bé của bản thân mình trước cộng đồng, và biết tôn trọng mọi cá nhân khác. Tôi cố gắng chia sẻ cách suy nghĩ và hành xử như vậy không chỉ với người của U&I mà với mọi người tôi có may mắn gặp. Nhưng chị biết đấy: Ai cũng cần may mắn cả…

Để quản lý và điều hành một tập đoàn đa ngành, anh coi trọng triết lý kinh doanh nào nhất? Cách quản trị bằng yêu thương đã được anh hiện thực hóa thế nào?

Anh Mai Hữu Tín: Gọi là triết lý thì to tát quá. Tôi học từ mọi người và cố gắng ứng dụng điều đã học được trong khả năng cho phép, và tạo cơ hội cho những bạn khác được học, được trải nghiệm. Tôi đối xử với mọi người như cách mà tôi mong họ đối xử với tôi.

Quản trị bằng yêu thương cũng nằm trong nguyên tắc đó. Phải yêu thương mọi người thì mới được mọi người yêu thương chứ. Tôi coi tất cả những người làm việc với mình là đồng nghiệp, là đối tác thật sự chứ không đơn giản là cấp dưới hay cổ đông nhỏ. Tôi ăn thức ăn họ ăn, uống thức uống họ uống, bay vé phổ thông họ bay, chia sẻ buồn vui cũng như thành quả đạt được với họ. Và tôi hạnh phúc khi có thể làm được như vậy.

Anh có thể cho biết rõ hơn về chiến lược của U&I trong năm 2019? Để hiện thực hóa điều ấy cần nhất với anh và đội ngũ là gì?

Anh Mai Hữu Tín: Mỗi công ty con của U&I có chiến lược riêng nên khó có thể chia sẻ ở đây. Nhưng vấn đề lớn nhất đã và vẫn đang là làm sao tạo ra, hay có thêm, những nhân sự xuất sắc sẵn sàng dấn thân.

Nỗ lực của U&I trong nông nghiệp sạch là gì, để có thể trở thành một đầu tàu dẫn dắt thêm nhiều bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực này, và cổ vũ tinh thần cho những bạn bè doanh nhân lớn cùng bước vào đầu tư nông nghiệp sạch?

Anh Mai Hữu Tín: Sạch với chúng tôi có nghĩa là an toàn và bán với giá nhiều người có thể chấp nhận được trong khi vẫn bảo đảm mức đầu tư cần thiết. Chúng tôi đã làm được một số việc nhưng chưa dám tự hào nói rằng mình có thể là một đầu tàu. Chỉ có thể nói rằng có thể tồn tại được khi làm nông nghiệp tử tế. Từ dưa lưới và chuối chúng tôi mở rộng sang các loại trái cây khác như nhãn, bơ… và tiếp đến là rau. Làm sao để trong bữa ăn của người Việt có sản phẩm của mình mà mọi người có thể dùng với sự tin tưởng đó là hàng an toàn là động lực chính của mảng này ở U&I.

Võ đạo trong kinh doanh 2
Nối tiếp ước mơ biến Việt Võ Đạo – tức triết lý võ thuật của người Việt – thành Nhân Võ Đạo, tức triết lý võ thuật của cả nhân loại

Với các đàn anh lớn đang đầu tư vào lĩnh vực này chúng tôi chia sẻ hiểu biết đã tích lũy nhiều năm của mình và ủng hộ mọi nỗ lực khai thác tiềm năng của đất nước và con người Việt Nam theo chuẩn quốc tế.

Anh đánh giá thế nào về sự đồng hành của các bạn trẻ khởi nghiệp bằng công nghệ trong việc tạo nên sự cộng lực cho các tập đoàn? Sự tương hỗ này đòi hỏi điều gì? Liệu đây có phải là cách đi hữu hiệu cho một quốc gia khởi nghiệp? 

Anh Mai Hữu Tín: Những công nghệ mới nhất đang góp phần tạo ra hiệu ứng mạng (network effect) dẫn đến hiện tượng người thắng cuộc được tất (winners take all). Các bạn trẻ có thể đóng góp công sức của mình vào những tập đoàn thắng cuộc như vậy và sống đàng hoàng từ việc cộng lực đó đương nhiên là điều tốt.

Nhưng việc này không nên được hiểu cùng với khái niệm quốc gia khởi nghiệp, bởi mục đích của một quốc gia khởi nghiệp phải là thật nhiều người thành công trong quốc gia đó. Tôi mong nhìn thấy trí tuệ trẻ Việt Nam tham gia vào mọi lĩnh vực đang phát triển vô cùng mạnh mẽ của nhân loại và cố gắng ứng dụng kiến thức đó trên đất nước mình để chúng ta không phải thua ai trong mọi mặt của đời sống. Sự thành công càng có ý nghĩa hơn khi thành công đó gắn với đất nước mình, với dân tộc mình.

Anh nghĩ gì về vai trò của các tập đoàn, những “tổ phượng hoàng” trong việc hình thành hệ sinh thái kinh doanh đa ngành? Điều đó cần sự ủng hộ và quyết tâm thế nào từ chính phủ?

Anh Mai Hữu Tín: Đa ngành hay đơn ngành là chọn lựa của từng doanh nhân và không nên gắn lựa chọn đó với nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, sòng phẳng chung của chính phủ. Làm sao để mọi doanh nhân – công hay tư, trong bất kỳ lĩnh vực nào – đều thấy mình được đối xử công bằng, theo những chuẩn mực cao nhất của thế giới, nhất là ở những nước mà chúng ta phải cạnh tranh, thì chúng ta mới đi nhanh được.

Trong quản trị doanh nghiệp và quản trị bản thân thời công nghệ, doanh nhân đang chịu sự thách thức dữ dội giữa những xu hướng quản trị mới thay đổi liên tục, có khi lật đổ tất cả những gì vốn được coi là chân lý… sự tiến về phía trước liên tục liệu có làm anh mất đi cảm xúc? Ngược lại? cách quản trị quá thiên về cảm xúc có làm ngáng đường chúng ta? Nếu không có cảm xúc thì chúng ta đâu còn là con người. Động lực giúp từng người tiến về phía trước cũng là cảm xúc mà? Tôi luôn chọn cân bằng: Có cảm xúc và có khoa học, có sự khôn khéo do trải nghiệm và ý chí tạo ra nhưng cũng cần kiến thức bài bản và lý luận.

Anh từng trải qua cuộc phẫu thuật đầu gối, và phải làm bạn với chiếc nạng trong một thời gian dài, tâm trạng của anh lúc đó thế nào? Làm thế nào để khai mở và chữa lành nội tâm, để cho ta sức mạnh sáng tạo vô giới hạn và kinh doanh trong tỉnh thức?

Anh Mai Hữu Tín: Đây là lần phẫu thuật gối trái lần thứ 5, và sẽ còn một lần nữa trong năm 2019 trước khi tôi có thể quay lại với thể thao. Có một chút khó chịu khi không thể di chuyển thoải mái. Nhưng khi là việc cần làm thì phải làm và một chút khó chịu là việc bình thường. Cơ thể chúng ta có khả năng tự chữa lành vô cùng lớn nhưng sự can thiệp của khoa học, nhất là các công nghệ mới, cũng cần thiết.

Tôi tin rằng mình sống tốt thì mọi việc sẽ tốt. Và quả thật là tôi đã trải nghiệm quy luật nhân quả rất nhiều lần trong đời. May mắn là tôi đã sống trong tỉnh thức nhiều năm bằng việc hành thiền nên luôn trải qua mọi cảm xúc thật nhẹ nhàng. Ai cũng cần có khoảng lặng để rũ bỏ mọi phiền não và mỉm cười trước mọi cớ sự.

Điều anh sợ nhất là gì? Câu chuyện của riêng anh để vượt qua những giới hạn liên tục, tìm kiếm hạnh phúc, để là mình hơn nữa?

Anh Mai Hữu Tín: Riêng cho mình thì tôi không còn có gì để sợ. Việc gì phải đến thì cứ đến thôi. Tôi nghĩ tôi đã chuẩn bị ổn về mặt tinh thần để mọi mất mát, nếu có, đều là những trải nghiệm do chính mình gây ra và do vậy mà phải do chính mình gánh chịu. Nhưng đúng là có lo lắng cho đất nước, nhất là với giáo dục.

Kim Yến – TheLEADER


Chủ tịch U&I Group Mai Hữu Tín: Chàng võ sĩ trên đấu trường kinh tế

Bí quyết từ một chàng trai tỉnh lẻ trở thành một ông nghị sắc sảo trên chính trường, một doanh nhân đầy bản lĩnh của Mai Hữu Tín chính là “biết giữ lời”, đúng như tên của cha mẹ đặt cho anh.

Khởi nghiệp năm 29 tuổi với số vốn 300 triệu đồng, trong đó 200 triệu đồng từ tiền đi vay, U&I là từ viết tắt của cụm từ Bạn và Tôi trong tiếng Anh, được thành lập bởi ông Mai Hữu Tín và bà Đoàn Ngọc Tố Uyên, những doanh nhân người Bình Dương với niềm tin rằng khi cùng làm việc với nhau người Việt Nam cũng có thể làm kinh doanh và làm giỏi được.

Từng được gọi là “võ sĩ trên đấu trường kinh tế”, chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới Mai Hữu Tín đã kết hợp nhuần nhuyễn võ thuật và võ đạo trong hành xử kinh doanh, với sự tự tin, văn minh và hướng thiện, đưa U&I sau 20 năm trở thành tập đoàn đa ngành với hơn 30 công ty hoạt động trong 8 lĩnh vực bất động sản, xây dựng, giao nhận vận tải, dịch vụ tài chính, bán lẻ, nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu…

Nổi tiếng với những thương vụ M&A đình đám như vụ giải cứu công ty bồn nước inox Toàn Mỹ, Giấy Sài Gòn, Gỗ Trường Thành… ẩn chứa đằng sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của anh là tâm huyết giữ gìn những thương hiệu Việt, tinh thần dấn thân vì một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Việt Nam

Bí quyết kinh doanh của U&I trong đầu tư đa ngành
Thời đi học, anh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành doanh nhân. Ngoài đam mê đọc sách, chàng trai cao một mét tám với nụ cười tủm tỉm ấy còn đam mê môn võ thuần Việt Vovinam, và từng giật giải vô địch Vovinam toàn quốc năm 1986. Tốt nghiệp đại học ngoại ngữ TP. HCM khoa tiếng Anh, khả năng ngoại ngữ xuất sắc đã mở ra cho anh những chân trời mới.

Trở thành người phiên dịch cho những lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, anh từng được chọn phiên dịch cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Năm 23 tuổi, anh được thuê làm giám đốc một doanh nghiệp khá lớn. Lao vào học cao học quản trị và kinh doanh, lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành tài chính. 

Sau 10 năm làm thuê, anh quyết định khởi nghiệp, với ước mong khá lý tưởng là nếu kinh doanh giỏi sẽ giúp được nhiều người hơn. Từ một công ty nhỏ với 6 người sáng lập, sau 20 năm đã có trên 30 công ty con được đánh giá cao về sản phẩm và tầm ảnh hưởng. 

Biến động là việc luôn xảy ra, U&I thường xuyên điều chỉnh các kế hoạch của mình để thích ứng. Nhưng các giá trị cốt lõi mà U&I theo đuổi như trọng dụng nhân tài (meritocracy), chính trực (integrity), cải tiến liên tục vẫn luôn được giữ gìn.

Lĩnh vực đầu tư logistic của U&I hiện đang mang lại giá trị gia tăng rất lớn, với hệ thống kho lớn nhất Việt Nam. Lý giải về suất đầu tư này, ông Tín cho biết: “Chi phí logistic Việt Nam gần như cao nhất thế giới, chiếm 25% GDP, trong khi các nước nhiều lắm cũng chỉ 8-9% GDP. Do chi phí tốn kém, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh khiến vòng quay hàng hóa dài, hiện doanh nghiệp Việt Nam trong ngành logistic chỉ chiếm 5% thị phần, còn lại là của nước ngoài. Nếu chúng tôi đi theo con đường mọi người vẫn làm chắc chết sớm!

Bắt buộc phải đầu tư về chiến lược, tìm được ngách riêng cho mình. Tôi đi thăm hỏi, dò xét khắp Bình Dương, phát hiện ra đây là nơi tập trung nhà máy gỗ lớn nhất, lĩnh vực này còn phát triển vài chục năm ở Việt Nam. Nhiều công ty đến đây tìm mua gỗ, hàng hóa của họ phải gom về điểm trung gian để đưa về cửa hàng các nước. Giả sử làm được ở Việt Nam với chi phí thấp hơn, nhanh hơn, đầu tiên cũng chả ai tin chúng tôi. 

Thuyết phục một công ty lớn ở Bắc Mỹ làm dịch vụ cho chúng tôi, trang bị hạ tầng kỹ thuật chống ẩm, trang bị công nghệ, rồi thuyết phục hải quan Mỹ để an toàn hàng hóa qua Mỹ… Đây là quá trình dài nhưng quyết liệt, để theo đuổi đầu tư nhân sự trong phân khúc nhỏ này”.

Tám năm đầu tư chỉ phục vụ một khách hàng duy nhất, chinh phục khách hàng này rằng U&I đã làm được tất cả mọi công đoạn chuẩn khi đưa hàng đến cửa hàng của họ, giới thiệu đến người tiêu dùng Mỹ. Từ đó hầu hết công ty Mỹ đều sử dụng công nghệ lưu kho của U&I. Phân khúc rất nhỏ không ai chú ý, đến nay U&I tự tin khẳng định là công ty có hệ thống kho lớn nhất tại Việt Nam.

Điều gì khiến ông Tín chấp nhận chọn cuộc chơi mới đầy rủi ro là logistic, một lĩnh vực “thuyền lớn, sóng lớn”? Làm thế nào để có thể huy động vốn, thuyết phục khách hàng hợp tác? 

“Việc đầu tư vào thị trường mới là chuyện bắt buộc phải làm nếu muốn phát triển. Khi chúng tôi quyết định đầu tư công nghệ khoan phục vụ ngành đồ gỗ, chi phí nghiên cứu tốn khoảng vài chục ngàn USD thôi, nhưng nếu cung ứng tương tự dịch vụ đang sử dụng, sẽ giúp khách hàng tiết kiệm được tới 50% kinh phí. So sánh lợi ích và chi phí, khách hàng rất khó từ chối lời đề nghị đó. 

Khi chúng tôi thuyết phục họ, họ bảo anh cứ xây kho để chúng tôi kiểm tra, chúng tôi đứng trước quyết định là có xây kho hay không? May mắn là ngành logistic cũng không quá rủi ro. Xây kho đúng chuẩn thì cho dù không làm kho ngoại quan đồ gỗ thì vẫn có thể dùng để chứa những thứ khác chứ không phải bỏ đi hẳn. 

Quan trọng là đã nghiên cứu thì phải làm tới nơi tới chốn để đủ sức thuyết phục, chứ nếu quan sát hời hợt, không biết được con số cụ thể thì không làm được gì cả. Nếu bạn đầu tư lãnh vực nào đó thì phải có niềm tin để làm tới nơi tới chốn, để nó trở thành kế hoạch kinh doanh thật sự”, ông Tín cho biết.

Đầu tư sang nông nghiệp cũng là một điểm sáng của U&I. Ngay từ đầu ông Tín đã xác định với nông nghiệp, phòng thủ tốt ở thị trường nội địa sẽ là bàn đạp tấn công sang thị trường khu vực. Đón đầu cực kỳ nhanh về công nghệ, vũ khí để đối chọi là sự chuẩn bị đầy đủ, liên kết với những người có thể là đối thủ trong tương lai, học cách để hiểu họ, học cách tạo văn hóa công ty, tạo ra thế phòng thủ dựa vào con người…

“Có những nguyên tắc mà chúng tôi kiên quyết đeo đuổi. Lấy mặt hàng chuối chẳng hạn. Diện tích mà chúng tôi đang thực hiện sẽ lên tới vài ngàn ha và chắc chắn không có chuyện thừa hàng phải bán rẻ. Việt Nam có lợi thế nhất định với mặt hàng này để cung ứng cho trong nước và các thị trường lân cận như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc. 

Vấn đề chính là sự ổn định, đồng đều và bảo đảm về chất lượng. Với dưa lưới thì câu chuyện có khác. Chúng tôi tạo ra giống riêng của mình (Unisweet) với chất lượng vượt trội, tuân thủ quy trình sản xuất sạch…để đẩy hàng nhập khẩu với độ an toàn khó kiểm soát ra khỏi Việt Nam”.

U&I có trang trại 500ha trồng nông sản, nhưng cũng đã từng sai lầm. Ban đầu cũng làm như người ta, nghĩ đem những công nghệ mới nhất chắc sẽ thắng. Đem công nghệ nhà kính từ Israel về cách đây 6 năm, tốn cả trăm nghìn USD, thuê hẳn một ông Israrel lương rất cao, thử trồng cà chua, ớt chuông, năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn thật nhưng không thuyết phục được người dân trả giá cao hơn 5 lần để mua cà chua. 

Từ đó U&I phải chuyển hướng, áp dụng công nghệ để phục vụ người Việt Nam, sử dụng nhà kính đó để trồng những sản phẩm người Việt Nam sẵn sàng trả giá cao để mua như dưa lưới. Nhiều người mua dưa lưới trong siêu thị tưởng là nhập nhưng đều được trồng trong nhà kính của U&I.

“Nhưng không thể chỉ dùng nhà kính, đất của ta còn mênh mông lắm. Đặt mình vị trí người đi sau để làm tốt hơn, ASEAN sản xuất chuối tốt nhất thế giới, dẫn đầu là Philippine, siêu thị bán chuối từ Mỹ, Mexico đều là nhập từ Việt Nam. Chúng tôi đang là đối thủ của Philipine để xuất khẩu chuối sang Đài Loan và thị trường thế giới. Khó khăn của tôi không phải là không xuất được hàng mà không có đủ hàng để xuất. Biến những nhân viên thành cổ đông để tạo động lực cạnh tranh với thị trường, chúng tôi hiện nay không hết việc để làm” ông Tín chia sẻ

Tuy nhiên, điểm nghẽn trong nông nghiệp công nghệ cao hiện nay theo ông Tín là chưa có nông trại lớn. Nông nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh do quy mô sản xuất quá nhỏ. Nếu chúng ta không cho phép tích tụ đất, hình thành nông trại lớn thì không thể có khả năng cạnh tranh. Nếu mỗi trang trại chỉ một vài hecta thì không thể áp dụng công nghệ tốt được. 

Các doanh nghiệp xoay chuyển thị trường đều có trang trại quy mô để áp dụng công nghệ thì người Việt không thua bất kỳ ai, nhất là thế mạnh trái cây nhiệt đới. Không ít tập đoàn đa ngành Việt Nam đã từng thất bại khi không tập trung vào giá trị cốt lõi của mình, nhất là những giai đoạn kinh tế khủng hoảng. 

Ông Tín chia sẻ: “Tôi tin là mỗi người chỉ nên kinh doanh một ngành mà họ có sở trường. Các giám đốc trong 8 lĩnh vực của tôi đều là những người làm việc theo đúng sở trường của họ. bản thân tôi cũng chỉ làm mỗi một việc mà tôi cho là tôi có sở trường, đó là phân bổ vốn. Nếu có vũ khí, tôi tin chắc đầu tiên là con người. 

Tôi điều hành tới 39 doanh nghiệp, không thể biết hết được mọi người, nên phải dựa vào 39 giám đốc điều hành giỏi hơn tôi rất nhiều trong chuyên môn của họ. Tôi chỉ quy tụ họ, thúc đẩy họ bằng động lực mỗi ngày, để chứng minh được họ giỏi hơn những người khác, đối thủ của tôi. Nếu bạn làm cho những người lao động của bạn có động lực thì không thể thua ai”.

M&A liên tục để tập trung giải cứu thương hiệu Việt

Mua lại Toàn Mỹ, rồi kết hợp với giám đốc Toàn Mỹ để làm công ty truyền thông Trí Việt, ông còn M&A nhiều thương vụ đình đám như Giấy Sài Gòn, Gỗ Trường Thành…

Làm thế nào đưa doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng và thành công? Ông Tín cho biết: Những doanh nghiệp Việt Nam có thương hiệu tốt như vậy không thể để “chết” một cách oan uổng. Tôi đã quyết định nhảy vào đầu tư cho giấy Sài Gòn, một quyết định hơi mang tính tình cảm. Xác định rõ nếu chỉ làm trong nội địa không thể khai thác hết công suất 130 ngàn tấn/ năm, SGP đã chấp nhận đầu tư lực lượng, máy móc để nhắm vào mục tiêu trở thành nhà cung cấp giấy hàng đầu khu vực ASEAN, xuất khẩu 130 nước trên thế giới, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp giấy khổng lồ của Trung Quốc. 

Từ ý chí đó mới xác định mình yếu kém ở chỗ nào. Phải biến Giấy Sài Gòn thành một nhà máy lắp ráp thực sự, khó khăn nhất là nguồn vốn, nhân lực trực tiếp. Máy móc nhập từ châu Âu với công nghệ tốt nhất cần những con người tốt nhất, “bơm” vào hai yếu tố chủ chốt đó, cùng với việc mời những nhà tư vấn hàng đầu của Canada, Nhật Bản, tập hợp anh em, kích thích lòng yêu nghề , tính dân tộc của họ… 

Sự quyết liệt cần thiết đã giúp chúng tôi vượt qua khó khăn, đạt doanh thu 3.000 tỷ, một cột mốc đáng mừng. Doanh thu năm 2015 đạt 300 tỷ đồng, dự kiến khi vận hành hết công suất sẽ vượt mốc 5.000 tỷ đồng vào 2019.

Đối với Gỗ Trường Thành khó hơn, thiếu cả vốn, nhân sự, kỹ thuật. Đó là lý do vì sao tôi phải đứng làm Tổng giám đốc Trường Thành. Tôi không thích M&A lắm, mà thích tự dựng lên doanh nghiệp theo ý muốn của mình thì hay hơn. Ngoài việc tôi có thể giúp họ xử lý được khó khăn, thì nguyên nhân sâu xa là vì không muốn các thương hiệu Việt Nam bỗng dưng biến mất, họ đều là những thương hiệu lâu đời cả, tôi thấy mình cần phải ra tay, thế thôi.

Trong hùn hạp làm ăn, thành bại cũng nhiều, bài học đắt giá mà ông nghiệm ra là “ Tôi vẫn thường nói đùa với bạn bè về nghĩa khác của từ “hùn hạp” mà tôi nghiệm ra từ thất bại của mình trong kinh doanh: Muốn “hùn” thì phải “hạp”, không “hạp” mà cố gắng “hùn” thì rất dễ thất bại. Còn một bài học khác: Có thể mất tiền, thậm chí mất rất nhiều tiền, nhưng đừng để mất uy tín.

Nhìn vào các thương vụ M&A, các thương vụ chuyển giao quyền lực và thâu tóm thương hiệu, ông có cái nhìn tích cực về bức tranh kinh tế: Công nghệ, bao gồm robot, cảm ứng, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… sẽ tiếp tục làm biến đổi nhanh chóng rất nhiều ngành nghề. 

Rất nhiều việc làm hiện nay sẽ không còn tồn tại trong chỉ 10 năm nữa thôi nhưng đồng thời cũng sẽ có rất nhiều việc làm mới được tạo ra. Kiến thức về quản trị cũng đang biến đổi rất lớn bởi những công nghệ trên. Người nắm bắt, ứng dụng sớm và hiệu quả sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển. 

Tôi có niềm tin rất lớn vào thế hệ các nhà quản lý trẻ của Việt Nam. Sẽ có những thương hiệu lớn của Việt Nam rơi vào tay người mạnh hơn, giỏi hơn từ nước ngoài. Nhưng cũng sẽ có những thương hiệu mới thành công và mang tính quốc tế của người Việt ra đời”.

Quản trị bằng yêu thương

Từng là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa IV, hai lần được bầu là Đại biểu quốc hội khóa 12, khóa 13, nhiều người gọi ông là “võ sĩ trên đấu trường kinh tế”, bởi tinh thần phản biện liên tục trong vai trò đại biểu quốc hội, để đứng về phía doanh nghiệp, nói tiếng nói của doanh nghiệp.

Trong kinh doanh, đôi khi các luật lệ không theo kịp với thực tế cuộc sống thay đổi hàng ngày. Khi chúng ta kinh doanh hàng ngày, đầu tiên phải tuân thủ pháp luật, nhưng bao nhiêu đó với tôi chưa đủ, phải biết vượt qua chính mình để bảo vệ công lý trên cả pháp luật, bảo vệ lẽ phải trên cả quy trình, khi chúng ta muốn đứng đầu một ngành nào đó trong đất nước này. Khi bạn không sợ mất cái gì đó thì bạn mới dám liều với cái đó. 

Nếu khư khư lo giữ tài sản thì chắc đã có đôi lúc tôi không đưa ra những quyết định như đã làm. Chắc là tôi sợ đánh mất chính mình nhiều hơn mất tài sản. Việc tôi bỏ phiếu trắng (cùng với ĐBQH Dương Trung Quốc) khi thông qua Hiến pháp sửa đổi là một quyết định như vậy, bởi tôi cho rằng kinh tế tư nhân nên là động lực phát triển chủ yếu của đất nước này.

Hỏi ông có sợ sự thẳng thắn ấy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp mình không? Ông Tín trả lời ngắn gọn: “Nếu sợ thì tôi đã không nói”.

Ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT công ty Minh Long, người anh lớn của Mai Hữu Tín nhận xét về ông: “Một nhà kinh doanh hiểu biết, có kiến thức sâu rộng, quan hệ sâu rộng. Một người trẻ đầy năng lượng không chỉ có máu kinh doanh mà còn biết làm, biết dừng. Đóng góp nhiều cho Bình Dương cả về kinh doanh và từ thiện. Trực tiếp tham gia kinh doanh đa ngành nên anh có đủ dữ liệu để đóng góp cho chính sách mới của Nhà nước”

Là người được chọn vào tổ tư vấn cho chính phủ về kinh tế tư nhân, ông Tín cho biết: “Tôi biết rõ các vị còn lại và cho rằng họ đều tâm huyết với sự phát triển của kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Tôi cho rằng tham gia vào việc cải thiện môi trường kinh doanh là trách nhiệm của mọi doanh nhân có lòng với đất nước và với chính doanh nghiệp, với người lao động của mình. Chúng ta không thể cứ ngồi chờ và mong đợi mọi việc tự tốt lên được mà cần đóng góp phần mình. 

Càng có nhiều người tham gia, nhiều ý tưởng, nhiều tiếng nói thì chúng ta càng có thể cải thiện nhanh hơn. Phát triển bền vững ngày nay không chỉ đơn giản là một khẩu hiệu, một câu nói cho vui, mà phải thật sự là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển của mọi doanh nghiệp, nếu chúng ta không muốn bị bỏ lại phía sau”.

Đảm nhận rất nhiều vai trò khác nhau với một tinh thần công dân sâu sắc đã giúp ông không ngừng đổi thay từng ngày. Ông nói: “Tôi xem Vovinam như một trong số rất hiếm hoi các sản phẩm văn hóa mà người Việt có thể tự hào khẳng định là của mình và đóng góp được vào thế giới này. Xúc cảm mà tôi có được khi nhìn thấy vài mươi quốc tịch khác nhau, của đủ mọi màu da, từ mọi châu lục, chào nhau bằng tiếng Việt (nghiêm lễ trong Vovinam) và thể hiện võ học Việt Nam, thật khó có gì khác so sánh được. 

Chủ tịch U&I Group Mai Hữu Tín: Chàng võ sĩ trên đấu trường kinh tế 2
Ông Mai Hữu Tín (thứ hai từ phải sang) tại đại hội Vovinam thế giới 2017.

Vovinam là một phần của con người tôi và tôi sẽ làm mọi cách để có nhiều người hơn biết đến Vovinam, chuyển từ Việt Võ Đạo thành Nhân Võ Đạo như mong ước của các bậc tiền bối tạo ra môn phái này.

Trong Vovinam có võ thuật và võ đạo. Võ thuật giúp tăng cường sức khoẻ và sự tự tin. Võ đạo giúp hành xử văn minh và hướng thiện. Việc kinh doanh giúp tôi đi lại nhiều và học hỏi được nhiều điều hay trên cả thế giới. Tham gia vào Quốc hội giúp tôi có thông tin nhiều chiều về những vấn đề lớn của đất nước. Đương nhiên là những kiến thức này tác động qua lại để tôi là tôi của ngày hôm nay nhưng không phải chỉ nhiêu đó là đủ. 

Chúng ta sống trong một thế giới thay đổi hàng ngày và để tồn tại bạn buộc phải thay đổi để phù hợp. Cái đúng của ngày hôm qua chưa hẳn đúng hôm nay. Cái sai cũng vậy. Tôi luôn cố gắng giữ cho đầu óc mình rộng mở đón nhận những điều mới và gạn lọc lại những gì đã biết để tìm ra sự phù hợp. Tôi sống không thành kiến và không đánh giá con người bằng thước đo của người khác”.

Để có được những doanh nhân đủ tiềm lực cả về tài chính, trí lực, tâm lực, với thương hiệu tầm vóc, tạo động lực phát triển đất nước, theo ông Tin trước hết là tầm nhìn của lãnh đạo.

“Chúng ta có thật sự muốn có những ngọn cờ đào đó hay không? Và nếu thật sự muốn thì phải làm gì để họ chịu dấn thân, chịu hy sinh lợi ích cá nhân nhằm gầy dựng truyền thống, giá trị và cách sống của doanh nhân Việt Nam. Được nhìn nhận, được tôn trọng là một phần của câu chuyện. Được hiểu, được chia sẻ, động viên, quan tâm bằng những chính sách thiết thực chắc chắn là cần thiết. Chúng ta đang khuyến khích mọi người làm giàu và tạo ra cảm giác là làm giàu rất dễ. Điều đó không đúng. 

Làm giàu rất khó và bất kỳ ai muốn đi vào con đường kinh doanh cần hiểu họ phải đối diện với những chông gai gì, phải chuẩn bị ra sao và phải đối diện với thất bại như thế nào. Cũng cần phải giáo dục để mọi doanh nhân hiểu rằng một mình đồng tiền không mang lại cho họ sự giàu sang…

Tôi cho rằng được làm doanh nhân là điều hết sức thú vị. Doanh nhân tạo ra nhiều giá trị bằng sự đầu tư và sức sáng tạo. Họ cũng tạo điều kiện cho những phát kiến ra đời. Khi chúng ta tin vật chất quyết định ý thức thì doanh nhân phải là những người có công rất lớn tạo ra vật chất đó, theo nghĩa hẹp nhất. 

Doanh nhân chân chính không làm điều gây hại cho xã hội và tôi muốn là một doanh nhân chân chính. Được đóng góp là niềm vui lớn. Tôi luôn có nhiều động lực bước ra khỏi giường vào sáng sớm. Sống tích cực luôn là phương châm của tôi”.

Để có được cái nhìn lạc quan, sự hài hước cả trong những lúc bi đát nhất, ông cho rằng “Chắc chắn là có thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng. Nhưng tôi tin vào Nhân Quả, tôi tin vào việc gieo quả nào gặt quả ấy. Và do vậy nếu tôi sống tốt, sống có trách nhiệm thì khi gặp chuyện xấu tôi vẫn hy vọng ngày mai là ngày khác (tomorrow is another day). Tôi may mắn được học hành phù hợp cho công việc của mình. Và sự học đó chưa bao giờ ngừng. 

Tôi đọc nhiều và đọc hàng ngày, nhiều nhất là về các gương danh nhân và doanh nhân. Đương nhiên các sách về quản lý, sáng tạo và tư duy là không thể thiếu, nhất là nguyệt san Harvard Business Review. Ngoài ra tôi còn nghiên cứu về tôn giáo dù không là tín đồ của bất kỳ tôn giáo nào…Điểm mạnh nhất của tôi là kiên nhẫn, điểm yếu nhất là dễ tin người. Tôi đã cố gắng thay đổi nhưng sau nhiều năm thấy mình vẫn như vậy”.

Cũng như nhiều gia đình khác ở miền Nam sau 1975, gia đình ông thuộc thành phần bị phân biệt đối xử chút ít. Điều đó khiến anh em ông luôn phải cố gắng hơn, luôn phải nhìn xuống chân mình để bám vào mặt đất, nhưng đồng thời phải nâng mình lên để hướng về bầu trời luôn rộng mở phía trước. Dù gia đình phải chịu rất nhiều mất mát, khó khăn, nhưng tình cảm giữa cha mẹ và con cái luôn tràn đầy, gắn bó. 

“Cha mẹ tôi luôn cho các con được làm tất cả những gì mình muốn. Chính vì vậy mà tôi đã bỏ học năm 18 tuổi, lấy vợ năm 21 tuổi. Dù lấy vợ rất sớm, nhưng may mắn của tôi là cưới được người vợ toàn tâm toàn ý lo cho việc học, việc làm của chồng con. May mắn nữa là tôi được quan sát, tiếp cận, học hỏi những bậc đàn anh là doanh nhân rất thành đạt ở Bình Dương như chú Lý Ngọc Minh, anh Huỳnh Uy Dũng, và người thân thiết nhất với tôi là anh Trần Bá Dương. Tôi học hỏi ở anh vô vàn, kể cả điều tốt lẫn điều xấu…”. ông chia sẻ.

Từ một người phiên dịch, làm thuê cho các công ty đa quốc gia, để thành công như hôm nay, ông cho rằng điều quan trọng nhất là bán chính mình: “Bán một dịch vụ, ý tưởng không quá khó, nhưng khó hơn là bán chính mình. Nói thì có vẻ khó nghe, nhưng nếu chưa bán được mình thì đừng mong bán cái gì khác. Phải làm sao bán được món hàng khó nhất, quý nhất, đó là chính mình, thì mới bán được hàng”.

Trong quản trị nhân tài, ông coi trọng sự yêu thương. “Thường mọi người loay hoay kiếm một giám đốc nào phù hợp nhất với công việc của mình. Tôi làm ngược lại, chọn công việc nào mình thấy phù hợp nhất với con người mình, rồi giao nó cho người khác thật giỏi về lĩnh vực này. Nếu xác định doanh nhân là sự nghiệp cả đời, phải chuẩn bị nhân lực cho mình, không thể tìm ở ngoài thị trường mà phải đào tạo. 

Ở quy mô nào cũng có thể tìm người đồng chí hướng, có tâm. Khi càng có con người phù hợp, giỏi thì càng có khả năng đi xa. Tôi vẫn tiếp tục tìm nhân tài hàng ngày. Quản trị bằng sự yêu thương sẽ cao hơn mọi thứ quy trình. Bạn có thể đặt ra bao nhiêu quy định, nhưng trên hết là sự yêu thương của bạn phải lan tỏa đến mọi người, để kéo họ đi theo mình”.

Kim Yến – TheLEADER

One thought on “Con đường Võ Đạo và Kinh Doanh của anh Mai Hữu Tín

Thank you so much