Người dân miền Nam không lạ gì với hình ảnh cây dầu rái to lớn, thẳng tắp, cao vút như những mũi tên bay thẳng lên bầu trời. Trong những phum sóc của người Khmer, đặc biệt là trong những ngôi cổ tự, bóng mát của những cây dầu luôn là nơi đi về trú ngụ của nhiều loại chim cò.
Tuy nhiên, có một cây dầu rái lại hoàn toàn khác lạ với những hình ảnh quen thuộc thường thấy. Thay vì vươn lên thẳng tắp thì cây dầu rái tại đường Sơn Thông (phường 7, thành phố Trà Vinh) lại xòe rộng như một cái ô với tán lá xanh thẫm rợp trời. Thân cây to lớn, hàng chục người ôm mới xuể. Cây dầu dù này không chỉ có hình dáng kỳ lạ mà ngay thớ gỗ cũng xoắn lại như sợi dây tạo sự khác biệt so với những loại cây khác. Những thớ gỗ kỳ lạ này khiến nhiều cành cây già vẫn còn bám trên thân cây mà không bị mục, rơi xuống đất. Cũng chính vì hình dáng lạ lùng ấy mà cây dầu này được gọi là cây dầu dù (Tán cây xòe ra như cây dù)

Những truyền thuyết xoay quanh cây dầu dù
Hình dạng khác thường của cây dầu rái nói trên có lẽ chính là nguyên nhân xuất hiện những giai thoại về nguồn gốc của cây lạ này. Theo đó, người xưa kể rằng, khu đất dọc đường Sơn Thông vốn là một khu đất rộng rãi, cao ráo. Trong lần đi hành đạo qua nơi này, một vị sư thấy địa thế đẹp, cao hơn xung quanh nên đã trồng nhiều cây dầu chính giữa khu đất cao. Nhà sư trồng hàng trăm cây, song, điều đáng nói, thay vì trồng như bình thường, vị cao tăng này lại cắm ngọn của cây xuống đất. Thấy cách trồng cây kỳ quái, nhiều người gặng hỏi thì vị cao tăng chỉ cười, nói đó là huyền cơ, sau này sẽ biết. Sau khi trồng cây, vị cao tăng bỏ đi không một lần trở lại. Trong số những cây dầu được trồng ngược đó chỉ có một cây duy nhất sống, đó chính là cây dầu rái khổng lồ hiện nay.
Ngoài ra xung quanh cây dầu dù còn được đan dệt bởi nhiều giai thoại huyền bí. Người dân địa phương lưu truyền câu chuyện thần cây báo oán. Theo đó, thời chiến tranh, các chiến sĩ tại địa phương thường treo cờ cách mạng trên ngọn cây dầu dù để phản đối quân xâm lược. Lẽ tất nhiên, chính quyền tay sai không thể làm ngơ việc này. Chúng đã cho người hạ lá cờ xuống và sai hai người chặt hạ cây dầu dù. Người dân địa với lòng ngưởng vọng cây thiêng đã ra sức bảo vệ nhưng không thành công trước lực lượng đông đảo của kẻ thù. Hai người đàn ông lăm le trên tay hai cây búa sắc lẹm định chặt cây thì người dân lại thấy hiện tượng lạ. Người đàn ông đầu tiên trèo lên cây, chưa kịp chặt nhát búa nào thì hắn đã hét lên với vẻ mặt thất thần sợ hãi. Hắn ta vội bò xuống rồi chạy thẳng không dám ngoái đầu trở lại.
Từ văn hóa trồng cây dầu của người Khmer ở Trà Vinh
Bên cạnh đó, người Khmer còn có tục gửi xương cốt của người thân vào những ngôi tháp xung quanh chùa mong nương nhờ Phật pháp hồi hướng linh hồn đến cõi Phật nhiệm màu. Vậy nên họ trồng cây để linh hồn người quá cố có nơi trú ngụ.
Loại cây mà người Khmer thích trồng trong chùa cùng các vị sư sãi là cây dầu. Nguyên do có thể liên quan đến phong tục hỏa táng trong nghi lễ tang ma của người Khmer. Người Khmer thích trồng cây dầu vì củi dầu dùng để hỏa táng người chết. Trong ý niệm tâm linh của người Khmer, dầu là loại cây mà củi của nó dùng làm nhiên liệu hoàn hảo nhất. Cây dầu dù còn tươi vẫn cháy được, người Khmer chỉ cần dùng dầu mồi lửa thì có thể tiến hành lễ hỏa thiêu từ một vài cây dầu mới hạ xuống.
Người Khmer ở Trà Vinh hiện vẫn còn giữ tập tục mang củi dầu đến các đám tang để nấu nướng và làm lễ hỏa táng người chết. Những thanh củi nhỏ sẽ được dùng để nấu ăn đãi khách đến viếng tang. Thanh củi lớn dài chừng 1 mết sẽ được dùng để đặt lên quan tài người mất phục vụ nghi thức hỏa táng. Tập tục này mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện sự chia sẻ với tang quyến của những người cùng phum sóc.
Đến tín ngưỡng thờ cây dầu dù
Như đã trình bày ở trên, cây dầu là loại cây gắn với đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân Khmer Trà Vinh, thế nên việc kính ngưỡng một cây dầu có tuổi đời mấy trăm năm là điều dễ hiểu. Hơn thế nữa qua truyền thuyết về cây dầu dù có thể thấy hạt nhân là một Điềm linh – Vật lạ. Nhà sư đã trồng dầu bằng cách cắm ngọn xuống đất. Đây là việc trái tự nhiên nhưng chính từ điều trái tự nhiên ấy mà cây dầu dù đã sinh tồn và phát triển. Chính sự sinh tồn trái tự nhiên ấy mà cây dầu dù đã sở hữu những đặc điểm khác lạ so với những cây dầu bình thường khác.

Như vậy cây dầu dù đã trở thành “vật linh” khi đã thấm nhuần Phật pháp (được trồng theo một phương pháp kì lạ bởi một vị sư đắc đạo). Thế nên việc cây dầu dù được thờ cúng là việc đương nhiên. Những truyền thuyết sau đó nhằm củng cố thêm sự linh thiêng của cây dầu dù. Qua đó càng gia tăng niềm tin của người dân vào sức mạnh siêu nhiên của cây.
Bên cạnh đó nằm trong nguồn mạch chung của văn hóa dân tộc, quan niệm “vạn vật hữu linh” vốn tồn tại ở nhiều tộc người trên đất nước ta. Đặc biệt nhiều dân tộc có niềm tin vào sự tồn tại thần linh ở những loại cây sống lâu năm “thần cây đa – ma cây gạo”. Ở Trà Vinh, tín ngưỡng thờ cây tồn tại phổ biến trong cộng đồng. Đặc biệt như đã phân tích ở trên, người Khmer có truyền thống trồng dầu vừa đáp ứng nhu cầu vật chất vừa tạo nên môi trường sinh thái tâm linh. Bên cạnh đó cây dầu dù ngoài việc sống lâu năm lại còn có dáng hình đặc biệt kì lạ càng làm gia tăng thêm niềm tin của người dân vào sự linh ứng của cây.
Dù không biết đích xác tuổi thọ của cây nhưng người dân ở địa phương cho rằng, cây dầu dù cổ thụ này sống qua mấy thế kỷ gắn liền với sự hình thành, phát triển của vùng đất Trà Vinh nói chung và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Cây dầu dù rất linh thiêng nên người dân đã xây dựng miếu thờ ông Tà (Neak Ta) để ngày ngày đến thắp nhang khấn vái cầu mong cho gia đình được may mắn, sức khỏe, an lành.
Trầm Thanh Tuấn / Doanhnhanplus