Việc tránh né thông tin có ích có thể là vấn đề khi ngăn cản ta học những điều giúp ta đưa ra lựa chọn thông minh hơn. Nhưng việc từ chối tìm hiểu thông tin cũng có lợi trong một số trường hợp nhất định.

Chúng ta không mệt mỏi tìm một số thông tin và từ chối một số thông tin khác có íchẢnh minh họa: Shutterstock Nghiên cứu trên 2.000 người ở Đức và Tây Ban Nha của Gerd Gigerenzer, Viện phát triển con người Max Planck ở Berlin (Đức) và Rocio Garcia-Retamero, Đại học Granada (Tây Ban Nha), cho thấy 90% người tham gia không muốn tìm hiểu khi nào đối tác của họ sẽ chết hoặc nguyên nhân là gì. Và 87% không muốn biết ngày mất của chính họ. Hơn 86% không muốn biết liệu họ có ly hôn và khi nào ly hôn, theo Scientific American.
Những nghiên cứu liên quan chỉ ra kết luận tương tự: Chúng ta thường tránh tìm hiểu thông tin có thể khiến bản thân đau đớn. Nhiều người tránh thông tin liên quan đến sức khỏe của họ ngay cả khi việc có kiến thức như vậy sẽ cho phép xác định liệu pháp để kiểm soát các triệu chứng hoặc điều trị. Như một nghiên cứu cho thấy, chỉ 7% người nguy cơ cao mắc bệnh Huntington tìm hiểu xem họ có mắc bệnh hay không, mặc dù phí xét nghiệm được bảo hiểm trả và thông tin hữu ích giúp làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh.
Tương tự như vậy, những người tham gia thí nghiệm chọn từ bỏ một phần thu nhập để tránh biết kết quả xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể điều trị được. Emily Ho, Đại học Tây Bắc (Mỹ), nghiên cứu trên 380 người và phát hiện, trung bình, 32% thời gian họ không muốn nhận thông tin về sức khỏe cá nhân, tài chính và ý kiến của người khác về họ. Khoảng 45% tránh việc biết số tiền họ kiếm được nếu chọn quỹ đầu tư khác trong quá khứ; 33% không muốn biết ý của ai đó khi mô tả họ kỳ quặc là gì; và 24% sẽ không muốn biết liệu một người bạn có thích cuốn sách mà họ tặng người đó dịp sinh nhật hay không, theo Scientific American.