Chủ nhà VN vô địch toàn đoàn
Tổng biên tập báo Thanh Niên (Trưởng tiểu ban Đối ngoại – Truyền thông) ông Nguyễn Quang Thông trao HCV nội dung đa luyện tay không (nam) cho đoàn Việt Nam – Ảnh: Khả Hòa |
Ở nội dung Nhật nguyệt đại đao, huy chương vàng (HCV) thuộc về Huỳnh Khắc Nguyên (VN), huy chương bạc (HCB) là Pollastro (Ý) và 2 huy chương đồng (HCĐ) thuộc về Trần Đình Du (Đức) và Elabdellaoi (Ma Rốc).
Nội dung quyền đồng đội nam, bộ ba Florin – Vasile Ichim – Teleman (Romania) đã giành HCV, HCB và HCĐ thuộc về Algeria và Đức.
Đoàn Pháp đã có thêm tấm HCV thứ 3 tại giải khi 2 võ sĩ Johan Leleu – Guillaume xuất sắc về nhất ở nội dung Song luyện 3. HCB và HCĐ thuộc về Ý và Romania.
Ở nội dung đa luyện tay không, Trần Công Tạo – Nguyễn Trung Tính – Trần Tấn Lập – Đoàn Hoàng Thâm đã mang về HCV cho Vovinam VN ở nội dung Đa luyện tay không. HCB và HCĐ thuộc về Algeria và Ý.
Nội dung Đa luyện tay không của nữ, HCV thuộc về đoàn Lào, HCB và HCĐ thuộc về Algeria và Ấn Độ.
Nội dung Đa luyện vũ khí nữ, bộ tứ Nguyễn Bình Định – Lê Đức Duy – Lê Phi Bảo – Phạm Thị Bích Phượng cũng không quá khó để giành HCV. HCB và HCĐ thuộc về đoàn Campuchia và Indonesia.
Nội dung Đa luyện vũ khí nam, HCV một lần nữa thuộc về chủ nhà VN, HCB và HCĐ thuộc về Indonesia và Pháp.
Tấm HCV nội dung quyền thứ 5 trong ngày đấu cuối của chủ nhà thuộc về đôi võ sĩ Phạm Thị Bích Phượng – Trương Thạnh ở nội dung Song luyện kiếm. HCB và HCĐ thuộc về Indonesia và HCĐ là Ý.
Trong khi đó, tấm HCV thứ 2 trong ngày đấu cuối của đoàn Vovinam Pháp thuộc về đôi võ sĩ Maxime – Aymeric Nguyen. HCB và HCĐ thuộc về Rumania và Đức.
Ở nội dung Đối kháng, đoàn Iran đã xuất sắc giành thêm 3 HCV của Mahmodvand ( dưới (-) 68 kg nam), Rezaei (-57 kg nữ) và Enanlo (-90 kg nam) sau khi các võ sĩ vượt qua các đối thủ Trung Hiếu (VN), Sreyroath (Campuchia) và Anatoliy (Nga) trong trận chung kết. Như vậy, có thêm 3 HCV trong ngày đấu này, đoàn Iran đã giành vị trí á quân với 5 HCV.
Chung kết hạng -65 kg nữ, võ sĩ Nga Alexsander (Nga) đã giành HCV khi võ sĩ Campuchia bỏ cuộc hiệp 3.
|
Chung kết hạng -82 kg nam, võ sĩ chủ nhà Văn Tuấn đã nỗ lực lội ngược dòng ngoạn mục để vượt qua Abdelhak (Algeria) để giành tấm HCV thứ 19 cho Vovinam Việt Nam tại giải.
Chung kết hạng -65 kg nữ, võ sĩ dân tộc Tày Phương Thị Thỏa đã vượt qua Ouiza Moklat (Algeria) sau 3 hiệp đấu để mang về tấm HCV thứ 20 cho chủ nhà để Vovinam Việt Nam bảo vệ thành công ngôi vô địch toàn đoàn với 20 HCV, 4 HCB và 2 HCĐ. Vị trí á quân thuộc về Iran (5 HCV, 2 HCB, 3 HCĐ) và hạng ba là Pháp (4 HCV, 3 HCB, 11 HCĐ).
Được biết giải châu Âu năm 2012 sẽ tổ chức tại Milan (Ý) và giải Vô địch thế giới lần thứ III/2013 sẽ được tổ chức tại Paris (Pháp).
Huy Tường
————————————————————————————
Tuyệt kỹ Việt võ đạo
Ông Nguyễn Lộc đã lấy môn vật và võ dân tộc Việt Nam làm nòng cốt, khai thác mọi tinh hoa võ thuật đã có trên thế giới để sáng tạo một môn phái riêng đặt tên là vovinam (từ quốc tế hóa của cụm từ “Võ Việt Nam”). Sau này, vovinam đã vượt khỏi biên giới Việt Nam, du nhập vào nhiều nước trên thế giới. Tinh hoa võ Việt đã thực sự hấp dẫn hàng triệu môn đồ trên khắp thế giới với những đường quyền, thế cước hoa mỹ và đẹp mắt.
Vovinam còn đẹp mắt bởi sự dẻo dai và khéo léo |
Sự đa dạng của vovinam còn thể hiện khi được kết hợp với vũ khí |
Những động tác tung người trên không cắt kéo là đòn thế đặc trưng tiêu biểu của vovinam |
Đòn tay của các võ sĩ vovinam cũng cực kỳ lợi hại trong những pha nhập nội |
Những đòn tấn công bằng chân đa dạng và đầy uy lực có thể hạ gục cùng lúc nhiều đối thủ |
Võ và vật cổ truyền Việt Nam kết hợp tinh tế, được pha trộn trong những ngón đòn quật ngã đối phương |
Kết thúc giải vô địch vovinam thế giới lần 2: Chủ nhà vô địch toàn đoàn Hôm qua, 30.7, giải đã bước sang ngày tranh tài cuối. Trong ngày thi đấu này, chủ nhà Việt Nam giành thêm 7 tấm HCV nữa để bảo vệ thành công ngôi vô địch toàn đoàn với 20 HCV, 4 HCB và 2 HCĐ. Vị trí á quân thuộc về Iran (5 HCV, 2 HCB, 3 HCĐ) và hạng ba là Pháp (4 HCV, 3 HCB, 11 HCĐ). Được biết giải châu Âu năm 2012 sẽ tổ chức tại Milan (Ý) và giải VĐTG lần thứ 3/2013 được tổ chức tại Paris (Pháp).Huy Tường |
Hồng Long – Khả Hòa
——————————————————————————————————-
Hội vui qua quá nhanh !
Giải Vô địch Vovinam Thế giới lần II – 2011 đã kết thúc tốt đẹp – Ảnh: Khả Hòa |
Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF), những ngày qua, giải đã thực sự là một ngày hội lớn của đại gia đình Vovinam trên toàn thế giới. Trong ngày hội này, từng đoàn môn sinh Vovinam đã có những màn trình diễn võ Việt điêu luyện, nhưng không hẳn chỉ hướng đến thành tích, mà muốn cùng chia sẻ những tinh hoa mà mình được truyền thụ đến bạn bè, để tất cả cùng hoàn thiện, rồi cùng chung tay đưa Vovinam phát triển trong tương lai.
Theo đánh giá của Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam Thế giới Võ Danh Hải, việc WVVF cải tiến luật lệ rõ ràng, dễ hiểu, sử dụng cách tính điểm điện tử công khai là một nỗ lực để từng bước đưa Vovinam trở thành môn thể thao hiện đại – một trong những tiêu chí tối quan trọng để tiếp cận những đấu trường thể thao danh giá trong tương lai.
Và trong thời gian tới, Vovinam sẽ đẩy nhanh tiến độ để Ủy ban Olympic Quốc tế và Ủy ban Thể thao các nước công nhận Vovinam là môn thể thao chính thống để đầu tư, qua đó sẽ hậu thuẫn nhiều hơn nữa sự phát triển của phong trào Vovinam quốc tế, giúp nhiều môn đồ Vovinam có điều kiện tham dự nhiều giải quốc tế hơn trong tương lai.
Tối hôm qua, giải đã khép lại với ngôi vô địch toàn đoàn thuộc về Việt Nam – quốc gia sản sinh môn võ thuật này. Nhưng ấn tượng hơn vẫn chính là sự thăng tiến vượt bậc của các đoàn có truyền thống như Pháp, Ý, Nga, Algeria… hay như sự bùng nổ của các thành viên Vovinam châu Á như Iran, Ấn Độ, cùng sự tỏa sáng hơn mong đợi từ các quốc gia Đông Nam Á là Lào, Indonesia, Campuchia.
Theo võ sư Sudorruslan – Giám đốc kỹ thuật Vovinam của Pháp, giải đấu lần này đã có sự tăng tiến vượt bậc về mặt chuyên môn, và những cách tân về luật thi đấu cũng chính là một trong những nguyên nhân giúp các trận đấu trở nên hấp dẫn hơn, các võ sĩ có thêm điều kiện thi triển kỹ thuật điêu luyện của mình.
Võ sĩ Việt kiều của đoàn tuyển thủ Đức Trần Đình Du hồ hởi với 3 tấm huy chương đồng mà mình giành được, bởi: “Tôi đã cố gắng hết sức để đạt thành tích cao hơn, nhưng không ngờ các đoàn bạn đã tiến bộ quá nhanh. Tuy chưa thể đổi màu được tấm huy chương đồng đã giành được ở giải lần 1, nhưng tôi rất vui và tự hào khi nhìn thấy sự phát triển vược bậc của phong trào Vovinam thế giới”.
Theo Phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam Thế giới Nguyễn Văn Chiếu, giải đấu thành công chính nhờ vào công sức của tập thể võ sư, HLV, VĐV đã dày công gầy dựng phong trào không mệt mỏi trong suốt thời gian qua. Theo võ sư Chiếu, vẫn còn đó những nỗi niềm, những gian truân của nhiều môn đồ võ Việt trên thế giới (tự tìm nguồn kinh phí, vay mượn ngân hàng, tranh thủ làm thêm ngoài giờ để tích lũy…) khi muốn tìm về với Quốc tổ Vovinam.
“Nhưng với việc Vovinam đang đẩy nhanh tiến độ để Ủy ban Olympic quốc tế và Ủy ban thể thao các nước công nhận Vovinam là môn thể thao chính thống để đầu tư, thì một ngày không xa nữa, tất cả chỉ cần tập trung chuyên tâm vào việc luyện tập, chất lượng của những giải đấu trong tương lai sẽ còn được nâng lên cao hơn nữa” ông Chiếu xác nhận.
Cuối buổi lễ bế mạc, Ban tổ chức giải Vô địch Vovinam Thế giới lần II – 2011 cũng đã công bố Pháp sẽ là nước chủ nhà của giải lần III – 2013.
Huy Tường – Sơn Tùng – Thanh Hải
Đọc từ báo Thanh Niên Thể Thao – http://thethao.thanhnien.com.vn